"Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc…" không còn là lời của một bài hát, mà đó là cảm xúc từ trái tim, lời nguyện hứa của đất liền với biển đảo, biển đảo với đất liền. Tôi cảm nhận rõ sự gần gũi, thiêng liêng này qua chặng hải trình gần 1.300 hải lý đến với các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK1/19.
Tràn đầy niềm tin và sức sống
Thật vinh dự và tự hào khi trong những ngày tháng 4 lịch sử, đoàn báo cáo viên trung ương được tham gia công tác cùng đoàn Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chuyến kiểm tra, thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 từ ngày 6 đến 14-4-2023. Hải trình chuyến đi trên con tàu KN290 (Chi đội Kiểm ngư số 2) xuất phát từ cảng Cát Lái (TP HCM) thuộc Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân đi Song Tử Tây - Đá Nam - Đá Thị - Sơn Ca - Len Đao - Sinh Tồn Đông - Tiên Nữ - Núi Le A - Đá Tây B - Trường Sa - nhà giàn DK 1/19 (Quế Đường).
Tại các điểm đảo mà chúng tôi được đặt chân, từ đảo nổi cho đến đảo chìm, tất thảy đều cảm nhận rất rõ gian khó mà các chiến sĩ đang trải qua từng ngày để thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Ngô Đăng Hoài, Chính ủy Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân, nói rằng sự gian khổ đã hun đúc, rèn luyện nên những người lính đảo với đầy đủ phẩm chất của Hải quân Nhân dân Việt Nam "Chiến đấu anh dũng - Mưu trí sáng tạo - Làm chủ vùng biển - Quyết chiến, quyết thắng".
30 năm làm nhiệm vụ cũng chừng ấy thời gian anh Hùng, bếp trưởng tàu KN290, lênh đênh trên biển. Anh cũng có một gia đình hạnh phúc tại Đà Lạt và có thể chuyển đổi công việc lên đất liền để được gần vợ con nhưng biển cả vẫn níu chân anh, để đến hôm nay anh vẫn hành trình cùng chúng tôi…
Binh nhất Nguyễn Anh Quân, quê ở Hà Tĩnh, cũng chọn cho mình con đường riêng ở nơi đầu sóng ngọn gió. Bố mẹ Quân đều là giáo viên, định hướng cho con sau khi tốt nghiệp THPT sẽ vào đại học để xây dựng tương lai. Thế nhưng, từ những kiến thức lịch sử về truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước, Quân đã quyết định lựa chọn một hướng đi khác là trở thành người lính đảo.
Những chia sẻ, tình cảm của sĩ quan, quân nhân trên đảo có lẽ cũng là điểm chung của cán bộ, chiến sĩ mọi miền Tổ quốc khi đến với Trường Sa. Tại các điểm đảo và nhà giàn mà chúng tôi đặt chân đến, đâu đâu cũng bắt gặp những nụ cười lạc quan, tràn đầy niềm tin và sức sống.
Ngay cả gia đình của các hộ dân trên đảo, họ xác định ra nơi đầu sóng không chỉ để mưu sinh, lập nghiệp mà còn là sự góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Giữa muôn trùng đại dương, điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn cùng chiến sĩ kiên cường bám biển, vươn khơi.
Tiếp thêm niềm tin, sức mạnh
Qua các tác phẩm báo chí, văn học - nghệ thuật..., mỗi chúng ta đã biết nhiều về những hình ảnh thân thương của Trường Sa nhưng để thấu hiểu thì phải đặt chân, hòa mình vào với môi trường sống nơi đây.
Mặc dù không thuộc hết lời của bài hát "Đừng ví em là biển" (nhạc sĩ Trần Thanh Tùng) nhưng anh Nguyễn Văn Thơ, dân quân tự vệ đảo Trường Sa Lớn, lại giúp tôi biết thêm một thông tin mà tôi đã thuộc và hát "Nước mặn chát chân trời/ Giữa mênh mông vẫn khát/ Không uống được anh ơi…" (ca khúc "Đừng ví em là biển"). Ở giữa biển cả mênh mông này, nước ngọt quý vô cùng. Nó là cội nguồn của sự sống, mầm xanh trên đảo mà quân và dân chắt chiu, dành dụm.
Hành trình cứ thế nhân lên những kỷ niệm, những tình cảm với điểm đảo, với con người mà không thể nói hết hay chia sẻ bằng lời… Nhưng có lẽ lấy đi nhiều nước mắt, in đậm và khắc sâu trong trái tim của mỗi thành viên đoàn công tác đó chính là 2 lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở vùng biển đảo Len Đao, nhà giàn DK1/19 và dự lễ mít tinh kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2023)... Đó còn là lễ thượng cờ Tổ quốc rất đỗi thiêng liêng tại các điểm đảo mà đoàn chúng tôi đến. Được đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở Trường Sa là niềm tự hào to lớn. Quốc kỳ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để mỗi thành viên nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao của mình sau khi trở về đất liền công tác. Nhất là tích cực lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè, người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa. Hình hài Tổ quốc được bồi đắp bởi bao xương máu của con dân đất Việt. Dòng máu Lạc Hồng ngàn năm vẫn tiếp tục tuôn chảy trong mạch nguồn của non sông, đất nước Việt Nam. Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền đã, đang tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.
Và vì thế, với nhiều người, dù chưa một lần đặt chân đến nhưng Trường Sa vẫn luôn rất gần, bởi đó là một phần lãnh thổ - máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Hiện nay, biển Đông đang trở thành tâm điểm cạnh tranh gay gắt giữa các nước tuyên bố chủ quyền, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, tác động trực tiếp tới môi trường hòa bình, ổn định khu vực, thế giới và Việt Nam. Do vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, việc thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chủ quyền biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, tránh sự lợi dụng, kích động của các thế lực thù địch là hết sức thiết thực và hiệu quả.
Bình luận (0)