icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vùng biên ấy có anh

LÊ TRÍ NHÃ

Đó là thầy Phạm Văn Bình, tấm gương sáng nhà giáo, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác dạy học cho học sinh vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp và nước bạn Campuchia

Ở ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nhắc đến thầy giáo Phạm Văn Bình, từ già tới trẻ ai nấy đều quý mến. Gần 30 năm đến mảnh đất vùng biên này, thầy Bình dành trọn tuổi thanh xuân cho trẻ em.

Giáo viên âm nhạc "bất đắc dĩ"

Từ thị trấn Sa Rài của huyện Tân Hồng, chúng tôi theo Quốc lộ 30 về hướng Tây Bắc khoảng 12 km để đến xã Tân Hộ Cơ, rẽ phải hướng lên biên giới chừng 3 km là đến Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1 ở ấp Gò Bói, sát biên giới cửa khẩu Dinh Bà - nơi thầy Bình công tác.

Chúng tôi đến nhà thầy Bình lúc xế trưa. Ngôi nhà nép bên xóm nhỏ, sau lưng cánh đồng yên bình.

Nói đến thầy Phạm Văn Bình thì cả vùng đất này, già trẻ ai cũng biết, gọi bằng cái tên quen thuộc "Bình nhạc". Họ xem thầy là tấm gương sáng, người gieo chữ vùng biên.

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vùng biên ấy có anh- Ảnh 1.

Thầy Phạm Văn Bình trong một tiết dạy toán

Thầy Bình quê Quảng Ngãi. Năm 1992, thầy nhập ngũ, phục vụ tại Sư đoàn 2 đóng ở Gia Lai. Năm 1994, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, thầy giải ngũ rồi cùng người thân đến ấp Gò Bói lập nghiệp.

"Những năm 1990, xứ này còn nghèo lắm, người dân chịu cảnh thiếu thốn. Đường sá lầy lội, trường học chỉ là tre lá, "muỗi kêu như sáo thổi", cảnh đò giang cách trở... Ruộng đồng hoang hóa, lau sậy còn nhiều, mùa lũ nước bạc trắng vùng, mùa khô nhiễm phèn mặn, đất rộng cò bay thẳng cánh mà lưu dân đến lập nghiệp chốn này vẫn quanh năm đói nghèo. Lam lũ vậy nhưng người dân nơi này còn nỗi lo canh cánh là ở vùng biên đêm đêm không yên giấc, vì sợ tàn quân Pol Pot sang quấy nhiễu…" - thầy Bình nhớ lại.

Những ngày đầu đến công tác tại điểm Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ (sau này tách ra thành Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1, Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 2 và Trường Tiểu học Dinh Bà), thầy Bình kiêm nhiệm kế toán và trực thư viện. Sau này thầy học hàm thụ sư phạm, về dạy trẻ khuyết tật rồi đứng lớp như bây giờ.

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vùng biên ấy có anh- Ảnh 2.

Quang cảnh Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1, xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí của người lính được trui rèn trong những năm tháng phục vụ quân ngũ, gian nan vất vả không làm thầy Bình sờn lòng nản chí. Thầy Bình bộc bạch: "Chúng tôi là những người lính, nhà giáo trẻ khoác cho mình một lý tưởng sống đẹp của tuổi đôi mươi, đến kiến thiết và xây dựng vùng đất xa xôi này. Ngày đó mình còn trẻ, làm việc hăng say, không biết mệt. Ngày 2 buổi lên bục giảng, lúc rỗi giúp dân xắn sình đắp mô, làm đồng… việc gì chúng tôi cũng không ngại. Vất vả là vậy nhưng khu tập thể chúng tôi ở lúc nào cũng rộn vang tiếng hát" - thầy Bình tâm sự.

Cũng từ tình yêu văn nghệ và chất lính với cây guitar mộc mà thầy Bình trở thành giáo viên âm nhạc "bất đắc dĩ" của Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1, Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 2 và Trường Tiểu học Dinh Bà. Rồi từ đó, biệt danh thầy "Bình nhạc" được nhiều người biết đến.

Đưa chữ sang biên

Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ ngày đó là một trong những cơ sở phát huy thế mạnh ở vùng biên và dần lớn mạnh trong phong trào xây dựng vùng đất mới ở biên giới lúc bấy giờ. Chính quyền và các đoàn thể cùng với lớp trẻ, thanh niên phấn đấu xây dựng vùng đất hoang sơ này ngày càng trù phú và giàu đẹp.

Người dân sống gần biên giới hai bên thân thiện nhau. Hai bên chỉ cách nhau quãng đồng, giao thông đi lại qua một con sông nhỏ có tên Sở Hạ. Tại Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ ngày đó có học sinh là con em người Khmer bên kia biên giới Campuchia sang học văn hóa rất nhiều. Thầy Bình bảo: "Các học sinh Campuchia rất dễ thương và chăm ngoan. Buổi sáng, các em mang theo cơm và chèo xuồng theo sông Sở Hạ sang bên này học, chiều muộn lại chèo xuồng về bên kia biên giới, có em còn xin theo tôi học đàn, nhạc. Tôi và các đồng nghiệp thường gọi vui là trường mình giờ trở thành trường quốc tế rồi. Thương học trò gian nan trên con đường đi tìm con chữ nên chúng tôi cũng dành cho con em nước bạn những gì tốt đẹp nhất, khích lệ các em cố gắng học chữ, theo đuổi ước mơ để thoát đói nghèo".

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vùng biên ấy có anh- Ảnh 3.

Thầy Phạm Văn Bình (hàng thứ hai, bìa trái) cùng tập thể lãnh đạo, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Rồi cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thông thương với cửa khẩu quốc tế Banteay Chakrei thuộc xã Banteay Chakrei, huyện Preah Sdach, tỉnh Prey Veng - Campuchia. Hai bên kết nghĩa, tương trợ cùng xây dựng và phát triển như bây giờ. Trong sự đổi thay từng ngày ở vùng biên, điều thầy Bình trăn trở là công tác giáo dục nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Tôi mong ước làm sao cuộc sống người dân nơi đây ngày càng tốt hơn, con em hai bên biên giới học hành ngày càng tấn tới" - thầy Bình nói.

Gần 30 năm gắn bó với trường, ngoài công tác chủ nhiệm và đứng lớp, thầy Bình còn kiêm bộ môn âm nhạc của trường. Thầy Nguyễn Văn Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1, tự hào về đồng nghiệp: "Thầy Bình có quá trình công tác tốt, cầu tiến, vững chuyên môn nghiệp vụ và là tấm gương sáng của trường. Ngoài dạy văn hóa, thầy Bình còn dạy âm nhạc cho con em trong vùng và con em người Campuchia, tạo thêm mối gắn kết cho người dân hai bên biên giới này. Xuất thân từ người lính nên thầy Bình chịu khó, có lý tưởng sống đẹp và biết vượt qua mọi khó khăn trong công tác giảng dạy cũng như trong cuộc sống".

Khi bóng hàng phượng của Trường Tiểu học Tân Hộ Cơ 1 đổ dài trên một khúc sông, cũng là lúc tiếng trống tan trường bên kia sông đổ dồn, thầy Bình tiễn chúng tôi ra ngõ về lại thị trấn Sa Rài.

Dưới sông vọng tiếng hát, tiếng khua mái chèo của người làm nghề chài lưới hòa với tiếng cười nói xôn xao của học trò tan trường làm nên bức tranh chiều quê trên vùng biên giới xa xôi trù phú, yên bình và xinh đẹp. 

Nói về cơ duyên đến với mảnh đất vùng biên, thầy Phạm Văn Bình trải lòng: "Tôi vốn là người lính, hiểu được nỗi cơ cực của người dân nên đem hết sức trẻ nhiệt huyết để cống hiến. Bây giờ nơi này trù phú và thanh bình, không có tệ nạn, đặc biệt là dân hai bên biên giới giao hảo hòa bình. Tôi xem nơi này là quê hương thứ hai của mình".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo