Đã mấy năm qua, mỗi tuần đều đặn 2 lần, dù trời nặng hay mưa, ông Bùi Tuấn Kiệt (70 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) vượt quãng đường 20 km để đến với lớp học khá đặc biệt dành cho lứa tuổi của mình tại TP Thủ Đức.
Biến điều không thể thành có thể
Với ông, đó không chỉ là lớp học, luyện tập mà còn là nơi kết nối những người dù có muộn màng nhưng vẫn còn may mắn khi tự tay mình đàn được bài nhạc yêu thích. Ông Kiệt cho biết: "Lớp dành cho người cao tuổi, mỗi tuần 2 buổi vào sáng thứ ba và sáng thứ sáu. Ngoài piano, học viên còn được học khiêu vũ và xướng âm. Người cao tuổi như tôi tới đây qua các hoạt động cảm thấy vui vẻ và khỏe hơn".
Ngoài ông Kiệt, lớp còn gần 50 học viên cao tuổi khác. Người trẻ nhất năm nay cũng lứa tuổi 50, hầu như mái tóc của ai cũng pha sương. Họ đến đây từ khắp các quận, huyện trong thành phố. Có người từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… cũng lặn lội đi 2 - 3 chặng xe buýt để đến lớp học. Trừ khi sức khỏe không cho phép, còn lại không gì có thể cản bước "những mái đầu bạc" vượt mọi trở ngại để đến với những phím đàn.
Khi mới thành lập, Trung tâm Âm nhạc Upponia chủ yếu dạy nhạc cho các em nhỏ. Sau khi nghe không ít tâm sự về niềm yêu thích âm nhạc của những ông, bà khi đưa con cháu mình đến lớp, cô giáo Trần Thị Thọ (39 tuổi) quyết định mở thêm lớp dạy piano miễn phí cho người cao tuổi. Họ đa số đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Nói về lý do mình mở ra lớp học đặc biệt này, chị Thọ chia sẻ: "Khi tôi dạy piano cho các bạn nhỏ thì nhiều phụ huynh đưa con đi học cũng ao ước được học vì hồi xưa chiến tranh, vất vả, lo cơm áo gạo tiền không có điều kiện để theo học. Từ đó tôi có ý tưởng mở lớp cho các cô chú lớn tuổi bởi các cô chú có nhiều thời gian và muốn học piano như một cách giải trí, làm sống lại đam mê của mình".
Dạy học piano cho người lớn tuổi không hề đơn giản khi các ngón tay cứng, lại không còn linh hoạt và trí nhớ không còn minh mẫn. Nhiều nơi ngại nhận học viên cao tuổi vì dạy rất cực, mất nhiều thời gian hơn. Vậy mà chị Trần Thị Thọ không chỉ đứng ra mở lớp mà còn dạy miễn phí cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Kiên nhẫn, tận tình
"Các cô chú lớn tuổi rất ý thức chuyện học hành nhưng lại mau quên. Nếu thu học phí thì họ sẽ ngần ngại không đi học vì học xong quên lại đóng học phí xót tiền. Nên tôi nghĩ tới việc không thu học phí để các cô chú chỉ chuyên tâm đi học thôi, không phải suy nghĩ gì cả" - chị Thọ lý giải thêm.
Mặc dù dạy miễn phí nhưng chị Thọ cũng như các giáo viên khác của trung tâm lúc nào cũng tận tình với những học viên đặc biệt này. Chị thiết kế giáo án dạy riêng cho người lớn tuổi, những kiến thức âm nhạc được truyền đạt theo cách đơn giản nhất để các cô chú dễ nắm bắt. Do tuổi cao, nhiều người học trước quên sau nên một bài phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần nhưng các giáo viên ở đây chẳng nề hà mà luôn kiên nhẫn, vui vẻ.
Ông Nguyễn Văn Khanh (67 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nói: "Học đàn để đỡ quên. Đầu óc để nhớ điều đã học, mắt nhìn nốt nhạc, tay đánh phím, tai lắng nghe, chân giữ phách. Khi đánh đàn là 3 - 4 chức năng đều phối hợp với nhau. Cùng một buổi học nhưng mỗi học viên một trình độ, tốc độ khác nhau".
"Nếu hướng dẫn chung thì tôi đỡ cực nhưng như vậy thì những người chậm sẽ không theo kịp. Tôi kèm từng người để học viên không bị áp lực phải học cho bằng người khác. Học đàn là phải vui, phải thoải mái, chứ bị áp lực là thua. Phương pháp này dài hơi, tốn công tốn sức nhưng tôi ước mơ: ai chậm cỡ nào cũng theo học được, không bị mặc cảm tự ti mà bỏ giữa chừng và bỏ mất niềm vui khi tự tay chơi được một bản nhạc piano" - chị Thọ bày tỏ.
Truyền cảm hứng vui sống
Mỗi học viên dù ở độ tuổi nào cũng có một câu chuyện thú vị truyền cho người khác những cảm hứng để theo đuổi đam mê. Ai cũng hào hứng, phấn khởi mỗi khi đến lớp. Những mái đầu đã điểm bạc, những bàn tay nhăn nheo, run run vẫn hạnh phúc khi được lướt trên phím đàn, được thỏa mãn niềm đam mê.
Nhiều người còn rủ cả vợ chồng cùng đến học, như vợ chồng bác Trần Thị Thu ở Bình Dương. Dù đã ngoài 75 tuổi nhưng tuần nào ông bà cũng chở nhau lên TP Thủ Đức để tham gia lớp học. Có học viên sau khi học ở đây tiến bộ rất nhanh, vượt qua các kỳ thi để trở thành giảng viên chính thức tại trung tâm này như trường hợp ông Lê Đức Hùng (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Hiện ông Hùng là một trong những giảng viên chính của lớp học này.
Cao tuổi nhất là cụ bà Lê Thị Phúc (84 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã tập luyện tại đây được 2 năm. "Sống một mình, có nhiều thời gian rảnh và cũng sợ mình bị đãng trí nên khi biết tin có lớp học đàn cho người cao tuổi, tôi liền đăng ký. Đến đây gặp gỡ mọi người, được sống trong âm nhạc cũng giúp tôi vui vẻ, thư giãn đầu óc và rèn luyện trí nhớ" - cụ Phúc tâm sự.
Cô Hồng Phước (59 tuổi, ngụ quận 1) nhận xét: "Ở đây học rất vui vì toàn là người lớn tuổi. Thầy cô dạy rất kỹ, mình cứ học tuần tự từ đơn giản đến khó. Quan trọng là mình phải thường xuyên luyện tập ở nhà vì mình có tuổi nên tay đã cứng và thường mau quên. Ở đây được thầy cô hướng dẫn, về nhà mình tự tập để buổi sau lên trả bài. Nếu có thiếu sót, thầy cô sẽ sửa lại cho mình. Một bài có khi học tới 2 - 3 tháng mới xong".
Với tiêu chí "Học là phải chơi được" nên suốt từng ấy năm, cô giáo Thọ dày công nghiên cứu, liên tục cập nhật giáo trình để có được phương pháp phù hợp nhất với người lớn tuổi. Học viên được dạy từ cơ bản là đọc tên các nốt cho đến khi chơi được một bài hoàn chỉnh theo cấp độ khó dần. Chị Thọ còn thiết kế chương trình học online cho những người không đến lớp được, có thể học tại nhà. Khoảng 3 - 4 tháng, trung tâm sẽ tổ chức buổi giao lưu có tên "Tỏa sáng đam mê", là dịp để các học viên có cảm giác được làm nghệ sĩ khi được ngồi đánh đàn trên sân khấu, khán giả bên dưới là người thân và bạn bè cùng lớp.
Những thanh âm vang lên từ phím piano đã giúp cho tuổi xế chiều của người cao tuổi thêm ý nghĩa, giúp họ càng sống vui, sống khỏe và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Lớp học đặc biệt ấy đã minh chứng rằng: Chưa bao giờ là muộn để theo đuổi đam mê, hãy là chính mình và làm điều mình thích.
Anh Đinh Lê Hoàng Tài - 27 tuổi, giáo viên của trung tâm - cho biết: "Tuổi cao mà các cô chú chịu bỏ thời gian, công sức để học một nhạc cụ mới như vậy là rất đáng nể phục. Khi giúp các cô chú tự chơi được một bản nhạc, tôi cũng thấy rất tự hào và hạnh phúc".
Kết nối tình bạn, thoải mái tinh thần
Đến với lớp, không chỉ tập luyện chơi đàn, các cô chú còn có thêm những người bạn mới. Có người may mắn tìm lại được người bạn thân từ thuở bé sau nhiều năm thất lạc. Bên cạnh việc học từ thầy cô, các học viên còn tự hỗ trợ, chia sẻ kỹ năng cho nhau. Người lâu năm và thành thạo sẽ chỉ dạy cho người mới tập. Cuối buổi học là 30 phút để mọi người cùng học xướng âm, tập hát. Điều này giúp học viên nhớ lâu các bản nhạc mà họ chơi.
Đó còn là các buổi dạy khiêu vũ giúp các cô chú thư giãn đầu óc và chân tay vận động linh hoạt hơn. Thỉnh thoảng chị Thọ còn tổ chức những buổi dã ngoại, thăm viếng để động viên tinh thần các thành viên trong nhóm.
"Tôi không bao giờ quên hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, mặc áo bà ba ngồi bên piano. Đó là cô Ngọc đã ngoài 80 tuổi, từ Bình Thuận vào đây ở với con gái bên Hóc Môn, rồi bắt 2 - 3 chuyến xe buýt để đến học. Được vài tuần, cô lại về quê để coi nhà cửa, vườn tược, sau lại lên học. Ở tuổi đó, cô vẫn đam mê, nhiệt huyết khiến tôi có động lực phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống" - chị Thọ xúc động kể lại.
Link video clip về lớp học piano cho người cao tuổi: https://drive.google.com/file/d/1OlChBvGv6vZZ0hiS0YDLh7QqfrfHEAeK/view?usp=sharing.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)