Trần Phước Phong bắt đầu công việc kinh doanh của mình bằng một tiệm điện thoại di động nhỏ bên khu phố chợ thương mại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Từ những đồng tiền kiếm được, cùng với sự đồng hành của người vợ và một số bạn bè, anh bắt đầu thực hiện chương trình thiện nguyện "Vợ chồng em Phong".
"Thùng nước nghĩa tình"
Sau đại dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều, cuộc sống của người lao động tay chân, người bán vé số ở Tam Kỳ càng thêm chật vật. Nhận thấy điều đó, Phong nhen nhóm ý định sẻ chia.
Tuy nhiên, số tiền lợi nhuận kinh doanh ít ỏi, chưa thể làm được gì nhiều nên ban đầu, Phong bàn với vợ đặt thùng nước đá giải khát ngay trước cửa hàng để người lao động nghèo, người lỡ đường qua cơn khát giữa nắng nóng như nung của mùa hè miền Trung.
Từ giữa tháng 5-2023, thùng nước đá giải khát được đặt trước cửa hàng điện thoại di động của anh Phong trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ. Đến nay, "thùng nước nghĩa tình" ấy vẫn tiếp tục đồng hành với nhiều người.
Vào trưa hè, miền Trung nắng như đổ lửa. Chứng kiến các cô chú lao động nghèo, người chẳng may lỡ đường ghé lại dùng nước, vợ chồng anh Phong dạt dào hạnh phúc vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Đây chính là động lực để anh tiếp tục con đường làm thiện nguyện của mình.
Giúp "chân chạy" cho người bán vé số
Phong kể vài năm trước, một phụ nữ bán vé số vào cửa hàng anh mời mua. Anh nhói lòng khi thấy đôi chân của bà sưng tấy, run rẩy vì đi bộ lê la khắp hang cùng ngõ hẻm.
"Đối với người bán vé số vốn phải chắt chiu từng đồng tiền lời, để mua được một chiếc xe đạp làm "chân chạy" là việc không dễ dàng" - Phong trăn trở và quyết định "chơi lớn". Anh bàn với vợ gói ghém số tiền tiết kiệm mua 5 chiếc xe đạp tặng những người bán vé số. Nhìn những nụ cười rạng rỡ, mắt ngân ngấn nước vì vui sướng của họ khi nhận được "chân chạy" mà vợ chồng anh hạnh phúc đến nghẹn lòng.
Có lần, tình cờ trông thấy một phụ nữ lớn tuổi bán vé số chật vật đi trên chiếc xe đạp quá cũ kỹ, hư hại nhiều, Phong lẳng lặng mua một chiếc xe đạp mới tặng bà. Chứng kiến bà mừng rỡ khi nhận xe mới, anh cũng vui lây.
Tiệm cơm 0 đồng
Những ngày gần đây, nhiều người truyền tai nhau về tiệm cơm miễn phí mà anh Phong vừa mở để phục vụ người nghèo.
Đây là dự định đã được anh ấp ủ từ lâu nhưng mãi đến năm 2024 mới thực hiện được. Từ sự giúp đỡ của một người thân - cho mượn mặt bằng một quán ăn trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ - Phong cùng vài người bạn thành lập tiệm cơm 0 đồng, bán vào trưa chủ nhật hằng tuần.
Những ngày đầu, do còn ít người biết nên tiệm cơm thường xuyên... ế ẩm. Phong nhớ lại: "Một phần cũng vì tôi ngại, không dám nói nhiều đến tiệm cơm này, sợ người ta nghĩ vợ chồng tôi phô trương làm màu, chứ làm gì có ai lại đi mở tiệm bán mà không thu tiền".
Sau đó, Phong suy nghĩ lại nên cởi mở hơn, mạnh dạn giới thiệu tiệm cơm của mình. Anh còn nhờ bạn bè, người thân chia sẻ thông tin để những người có nhu cầu tìm đến tiệm ăn nhiều hơn.
Mọi việc từ đi chợ đến nấu nướng, Phong nhờ người nhà và bạn bè giúp. Hôm nào không có người hỗ trợ thì anh thuê người làm. Vợ chồng anh thường xuyên phụ giúp bưng bê, sẵn sàng dọn bàn, làm bếp, rửa bát…
Đặt chữ tâm và tình yêu thương lên hàng đầu, Phong luôn căn dặn người nhà mua đồ tươi, ngon, chất lượng… về chế biến.
"Thực phẩm cung cấp cho tiệm phải sạch, phải tốt thì các cô chú, anh chị mới có bữa cơm ngon" - anh thổ lộ.
Phong mong muốn tất cả những người đến tiệm cơm của anh đều được tiếp đón và đối đãi đãi tử tế. Phong cho biết có hôm, chứng kiến một người lao động nghèo vừa dùng cơm vừa rơm rớm nước mắt, anh xúc động vô cùng...
Ngoài xã hội có biết bao nhiêu thứ để người ta hưởng thụ. Nhiều người chọn cách bỏ tiền ra để được phục vụ, được tận hưởng những điều vui thích. Với Phong thì ngược lại, anh chọn cách cố gắng làm lụng kiếm tiền, rồi bỏ tiền ra để phục vụ cho người, cho đời. Thật đáng quý biết bao tấm lòng vàng của chàng trai xứ Quảng!
Mong mỏi làm được nhiều hơn
Phong cho biết anh từng đến nhiều nơi mưu sinh, gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mong muốn được làm điều gì đó cho những người nghèo khó. Trước đây, do tuổi đời còn trẻ, việc kinh doanh không kiếm được nhiều tiền nên anh chỉ có thể làm thiện nguyện bằng những việc nho nhỏ, như "thùng nước nghĩa tình"...
"Gần đây, tôi mới mạnh dạn làm thiện nguyện bài bản hơn trên chính quê hương Tam Kỳ của mình. Tôi mong mình sẽ làm được nhiều hơn, tặng thêm nhiều xe đạp cho những người bán vé số. Sau này, nếu có điều kiện, tôi sẽ tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở những khu vực vùng ven Tam Kỳ. Nếu có đủ kinh phí, tôi sẽ tăng thêm bữa ăn 0 đồng vào các ngày trong tuần, đồng thời xây tặng nhà cho người nghèo neo đơn..." - anh Phong bộc bạch.
Theo ông Thái Hùng Nhất - Chủ tịch UBND phường An Mỹ, TP Tam Kỳ - việc vợ chồng anh Phong thành lập tiệm cơm 0 đồng là hoạt động nhân văn, rất có ý nghĩa, góp phần lan tỏa điều tích cực trong xã hội. "Hy vọng mô hình này sẽ được duy trì và lan rộng để có thể giúp đỡ thêm những người yếu thế trong xã hội" - ông bày tỏ.
Bình luận (0)