Trước đây, khi nhắc đến ung thư cổ tử cung, nhiều người chỉ nghĩ đến việc cắt bỏ tử cung, điều này đồng nghĩa với mất khả năng sinh con. Các phương pháp điều trị như xạ trị, hóa trị cũng khiến phụ nữ phải chịu đựng tổn thương thể chất và tâm lý. Nhờ vào những tiến bộ trong phương pháp phẫu thuật bảo tồn, nhiều phụ nữ không may mắc phải căn bệnh này không chỉ chiến thắng bệnh mà còn được làm mẹ.
Chiến thắng ung thư, thỏa ước mơ làm mẹ
Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp trò chuyện với vợ chồng anh T.A (35 tuổi) và chị N.T.T.H (36 tuổi) ở quận Bình Tân, TP HCM. Họ là một trong 4 trường hợp hiếm hoi có thể sinh con thành công sau khi điều trị ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Vợ chồng anh T.A kết hôn năm 2014. Họ ao ước có một đứa con ẵm bồng nhưng nhiều năm vẫn không có kết quả. Số phận như trêu ngươi khi năm 2019, chị H. được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung. "Trời đất như đổ sụp. Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc giữa bệnh viện vì tuyệt vọng" - anh T.A kể.
Hiểu được nỗi buồn của người bạn đời, anh T.A đã động viên vợ dũng cảm đối diện với thử thách. "Em à, rồi ông trời sẽ thương và cho vợ chồng mình một đứa con" - anh T.A động viên và đưa chị đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM bắt đầu quá trình điều trị.
Tại đây, vợ chồng anh được gặp TS-BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1 - người đã đề xuất phương pháp phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản cho chị H. "Bác sĩ Tiến đã cho chúng tôi một tia hy vọng và đây là cơ hội duy nhất để giữ lại ước mơ làm cha mẹ. Chúng tôi quyết định thực hiện phẫu thuật bảo tồn, dù biết rằng mọi thứ không dễ dàng" - anh T.A nhớ lại.
Cuối cùng, sau 3 năm chiến đấu, niềm vui đã đến với vợ chồng anh chị. Chị H. mang thai sau 4 lần chuyển phôi thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. "Khi biết vợ mang thai, tôi không dám tin vào sự thật. Hạnh phúc tràn ngập nhưng cũng đầy lo lắng. Tuy nhiên, với sự theo dõi sát sao của các y - bác sĩ, cuối cùng, con trai tôi cũng chào đời khỏe mạnh. Ngày con chào đời, tôi khóc vì hạnh phúc và biết ơn. Chúng tôi không bao giờ quên những ngày tháng khó khăn ấy và sẽ mãi biết ơn những người đã cứu sống vợ tôi, cho chúng tôi được làm cha mẹ" - anh T.A nghẹn ngào nói.
Hạnh phúc nhân đôi
Chị H. là 1 trong 4 trường hợp mang thai và sinh con thành công sau khi mắc ung thư cổ tử cung được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM bằng phương pháp bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết với những phụ nữ trẻ không may mắc ung thư cổ tử cung, quá trình điều trị như phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị sẽ dẫn đến mất khả năng mang thai. Điều này đặc biệt đau đớn với những phụ nữ trẻ mới lập gia đình, chưa có con, thậm chí chưa kết hôn. Việc mất đi khả năng làm mẹ có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý sâu sắc, thậm chí tự tử.
"Chứng kiến những bệnh nhân phải đối mặt với việc mất khả năng làm mẹ, tôi thấy rất xót xa. Vì vậy, tôi quyết tâm tìm cách giúp họ có thể tiếp tục sống, có con, dù đối mặt với căn bệnh ung thư" - bác sĩ Tiến chia sẻ.
Phương pháp phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung đã được nhận giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2023.
Thời gian đầu, do không có điều kiện học trực tiếp tại nước ngoài, bác sĩ Tiến tự học qua các tài liệu y khoa quốc tế, tham gia các khóa học trực tuyến và theo dõi các video hướng dẫn trên YouTube.
"Quá trình học hỏi không dễ dàng. Tôi phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu, tham gia các hội thảo quốc tế để cập nhật phương pháp mới và áp dụng vào công việc của mình" - bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo bác sĩ Tiến, trên thế giới, phương pháp phẫu thuật bảo tồn đã được áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Để áp dụng ở Việt Nam, thử thách lớn nhất là làm sao để chứng minh tính hiệu quả và báo cáo trước hội đồng y khoa. Sau nhiều nỗ lực, năm 2018, phương pháp phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung đã được Sở Y tế TP HCM cấp phép thực hiện tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Kể lại những ca bệnh đầu tiên, bác sĩ Tiến cho biết dù là một chuyên gia trong lĩnh vực ung thư phụ khoa nhưng khi bắt đầu thực hiện phẫu thuật bảo tồn, ông không khỏi lo lắng. Bởi phẫu thuật bảo tồn khác biệt hoàn toàn với phẫu thuật thông thường.
"Khi phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng phải giữ được tử cung, đồng thời tạo hình lại khu vực bị cắt theo đúng các hướng dẫn quốc tế. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và nhanh, nếu không cẩn thận có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng" - bác sĩ Tiến giải thích.
Đến nay, bác sĩ Tiến đã phẫu thuật bảo tồn khoảng 30 ca ung thư cổ tử cung. Trong đó có 4 trường hợp bệnh nhân đã sinh con thành công sau phẫu thuật. "Mỗi lần bệnh nhân báo tin có thai, tôi thực sự hạnh phúc. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy mình đã làm được điều ý nghĩa, giúp nhiều phụ nữ chiến thắng ung thư và làm mẹ" - bác sĩ Tiến bày tỏ.
Nhiều triển vọng
Phương pháp phẫu thuật bảo tồn cổ tử cung phức tạp hơn nhiều so với phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung. Các bác sĩ chỉ cắt phần cổ tử cung, bảo tồn thân tử cung và nối lại với âm đạo, đồng thời giữ lại động mạch để nuôi dưỡng tử cung. Mặc dù bệnh nhân vẫn có khả năng sinh sản nhưng khả năng này chỉ đạt khoảng 50%-60% so với phụ nữ bình thường và có thể gặp phải các vấn đề như sẩy thai liên tục hoặc không có phôi thai.
Dù mang thai thành công nhưng bác sĩ Tiến lưu ý đây là một thai kỳ có nguy cơ cao với các biến chứng như sẩy thai ở tam cá nguyệt thứ hai, vỡ ối non, sinh non. Để giảm thiểu các rủi ro này, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe thai kỳ rất chặt chẽ. Một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ sinh non là khâu thắt cổ tử cung hoặc khâu bít hoàn toàn cổ tử cung khi thai vào tam cá nguyệt thứ hai. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ siêu âm để kiểm tra chiều dài cổ tử cung và có thể sử dụng kháng sinh dự phòng để tránh nhiễm trùng.
Ngoài ra, việc mổ lấy thai cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Các bác sĩ thường khuyến cáo mổ lấy thai khi thai nhi đủ 34 tuần để tránh các cơn gò tử cung nguy hiểm nhưng thời điểm mổ cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
"Mặc dù tỉ lệ sinh con sau phẫu thuật bảo tồn chưa cao nhưng tôi nghĩ thời gian tới sẽ có nhiều ca thành công nhờ vào các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại và sự theo dõi cẩn thận từ các bác sĩ" - bác sĩ Tiến kỳ vọng.
Hướng đến kỹ thuật "siêu bảo tồn"
TS-BS Nguyễn Văn Tiến thông tin hiện nay, các nghiên cứu đang hướng đến các kỹ thuật "siêu bảo tồn" để tăng tỉ lệ sinh con thành công cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung, đặc biệt đối với những trường hợp phát hiện trong giai đoạn rất sớm (giai đoạn IA).
"Các hướng dẫn điều trị hiện nay đã khuyến cáo khoét chóp rộng thay vì cắt cổ tử cung tận gốc, giúp bảo vệ khả năng sinh sản tốt hơn. Ngoài ra, đối với các trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1, nếu bệnh nhân đáp ứng đủ các yêu cầu đặc biệt, việc khoét chóp có thể được xem xét" - bác sĩ Tiến nói.
Bình luận (0)