Hơn 10 năm trước, mẹ tôi quyết định bỏ phố lên cao nguyên, tìm một ngọn đồi ở Di Linh (Lâm Đồng), dựng căn nhà gỗ để những năm tháng tuổi già thật sự thoải mái. Và cũng đã hơn 10 năm, nhà tôi mặc định đón Tết trên cao nguyên.
Từ TP HCM, chúng tôi đã có những cái tết rất khác ở nơi này. Đó là một dạng “quê” để trở về trong sự có chuẩn bị, chủ động quay về các giá trị văn hóa trong điều kiện có thể của mình. Để tết là điều gì đó đầy háo hức, nôn nao với sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vườn tược và lắng lòng sau 1 năm bận rộn hay nhủ thầm ước vọng cho những ngày sắp tới.
Tết trên cao nguyên, nhà tôi không cắt giảm một trình tự nào trong “combo đón xuân” cả: Từ sắm quần áo mới, sơn sửa nhà cửa, mua hoa chưng Tết, nấu các món truyền thống, dâng đủ các lễ đón đưa ông bà, xuất hành đầu năm đi chùa, chúc Tết hàng xóm và lì xì cho các nhi đồng. Không tiết giản nhưng không câu nệ cầu kỳ để gây mệt mỏi và thành… sợ Tết. Mọi thứ dừng ở mức vừa đủ, vừa phải, vui với Tết.
Riêng chơi hoa có phần nhỉnh hơn mọi khâu còn lại. Vì ở xứ sở hoa mà không lấy nó làm niềm vui chính thì rất dở! Hoa mua ở chợ, hoa trong vườn nhà, hoa hàng xóm cho hoặc xin,… Tất cả đem đến cho nhà tôi gần 10 lọ hoa đủ phong cách, ngôi nhà như một triển lãm nho nhỏ về hoa. Vô cùng thích thú, năm nào cũng mới lạ để háo hức, để đón chờ. Chỉ thế thôi tôi đã thấy tết thực sự là cơ hội thưởng thức thời gian một cách có nghĩa. Chất “quê” nơi đây tôi cố tạo ra và giữ lấy như một cái neo giữa những đổi thay các giá trị truyền thống mà đô thị nhiều lúc làm tôi mệt nhoài, chán ngán.
Khoảnh khắc giao thừa "quê" tôi trên cao nguyên Di Linh
Lên đây, tôi đặc biệt thích phong tục đốt lửa đêm giao thừa của người địa phương. Những đống lửa rực sáng cả những khoảng trời đêm dày sương lạnh, đem lại những cảm giác ấm áp và sung túc cho cả năm - cái đặc quyền mà khi ở phố tôi không làm được! Từ sân nhà, tôi có thể thấy rợp trời pháo hoa dài cả chục cây số nông dân họ đốt để mừng mùa màng bội thu. Ở cao nguyên, những đêm giao thừa luôn rất ấn tượng.
Truyền thống, giản dị nhưng tết “quê” của tôi vẫn đầy hơi thở số. Hàng hóa cho việc nấu nướng chỉ cần đặt online giao tận cửa nhà trên đồi, đúng ngày giờ, chất lượng đảm bảo nguyên vẹn. Tôi lên xem live vài nhà vườn quanh thị trấn bán cây chưng tết và chốt đơn, hẹn đến xem tận vườn rồi họ ship tận nhà, tiện và vui vẻ đôi bên. Rồi tôi chụp ảnh post Facebook những bình hoa đang cắm cho bạn bè ở phố xem để họ thả tim để mà vui cùng nhau!
Vài năm gần đây, các cháu tôi đã lớn, đi học xa nên chúng nhắn tin qua Zalo chúc Tết xong, thả vài icon “iu iu” là đến tiết mục đòi lì xì online! Chúng gửi số tài khoản nhờ ba mẹ nhận dùm hoặc tôi gửi vào ví điện tử một bao lì xì nằng nặng khiến chúng rất thích thú và cảm động! Tiện và vui cả nhà. Tết vậy là rất mới và tình thân là điều gì đó rất gần rất thực với nhà tôi.
Tôi cũng lì xì chúc tuổi mới Mẹ bằng hình thức này vì đang dạy bà các thao tác công nghệ trên thiết bị thông minh nên muốn bà có dịp “thuộc bài”. Chỉ có đi chợ Tết là chưa dám 100% thanh toán bằng quét mã vì sợ bà nhầm với những khoản chi lẻ tẻ.
Những cuộc video call hay hàng loạt các tin nhắn chúc Tết, cập nhật hình ảnh trên các nhóm bạn cũ, đồng nghiệp, cơ quan, nhóm xã hội khiến khoảnh khắc Tết của chúng tôi hay chúng ta gần hơn bao giờ hết. Bạn bè ở nước ngoài cũng cảm được không khí đầm ấm, vui vẻ của những người bạn ở Việt Nam ngay khi họ đang lái xe trên cao tốc đến sở làm. Công nghệ đã làm cho cảm giác Tết thật hơn, gần hơn bao giờ hết.
Hành trang ăn Tết có cả vợt pickleball
Từ TP HCM, hành trang về “quê” ăn Tết của tôi có cả cây vợt pickleball. Tôi đã có vài ván giao lưu với thanh niên xứ núi sau khi tìm được 1 sân bóng rất xịn trên thị trấn nhờ lang thang trên google map ở khu vực Di linh.
Cũng nhờ google map, tôi phát hiện ra vài hàng quán có view đẹp, đồ ăn ngon, để sau khi hơi ngán với bánh tét, thịt kho thì lại “check-in” một vòng để thưởng thức trọn vẹn sắc xuân, vị tết nơi cao nguyên mát lạnh này.
Bình luận (0)