Anh Hải - người anh họ của tôi, từ khi về hưu, hằng ngày thường dành thời gian kết nối các bạn bè thân quen qua Zalo, Facebook để tham gia, tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ… ở các tỉnh, thành miền Trung.
Vào một ngày giáp Tết, anh nhắn tôi sắp xếp thời gian cùng anh và nhóm Hướng thiện Đà Nẵng tham gia một buổi thăm và tặng quà trẻ em nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) tại Trung tâm bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Cô Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết cơ sở đang chăm sóc 60 NNCĐDC, từ 7 - 30 tuổi. Đây không chỉ là nơi chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho những NNCĐDC, trẻ khuyết tật, mà còn là nơi gieo hy vọng, tiếp thêm ý chí, nghị lực để những người kém may mắn vươn lên hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.
Tại xưởng sản xuất nhang của Trung tâm, chúng tôi gặp thầy giáo Matthew Keenan, một cựu binh Mỹ, người từng có mặt tại Đà Nẵng hơn 50 năm trước, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngay vài phút ban đầu, chúng tôi nhận thấy, bọn trẻ nơi đây luôn miệng gọi ông là Matt, mỗi lần ngang qua lại đập đôi bàn tay vào tay ông. Đó cũng là cách ông chào từng đứa trẻ và cùng chúng bắt đầu một ngày mới bằng việc tập thể dục.
Matt kể thời chiến tranh, ông đã ở căn cứ Chu Lai vào tháng 10-1971, đến tháng 11, ông được cử ra Đà Nẵng. Matt là nhân viên hành chính, không trực tiếp tham chiến. Trở về Mỹ năm 1972, Matt chưa bao giờ có ý định quay lại Việt Nam cho tới năm 2013, khi ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư và khả năng cao là do di chứng của CĐDC. Cũng thời điểm đó, Matt hay tin một đồng đội năm xưa cũng mắc bệnh như ông. Qua tìm hiểu, ông Matt càng thấm thía những nỗi đau của những nạn nhân ở Việt Nam phải gánh chịu bởi loại chất độc hóa học này. Từ đó thôi thúc ông nôn nóng muốn trở lại Việt Nam… Năm 2015, Matt chính thức đặt chân trở lại miền đất mà một thời trai trẻ ông từng đến. Lần đó, trong thời gian ngắn, trước khi quay về Mỹ, ông Matt đến Hội NNCĐDC/dioxin TP Đà Nẵng thăm và làm tình nguyện viên vài ngày tại Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. 3 tháng sau khi về Mỹ, trái tim mách bảo ông quay trở lại. Cũng từ đó, mỗi năm, Matt đến Việt Nam 2 lần, mỗi lần dành 2 - 3 tháng ở lại Trung tâm để hỗ trợ chăm sóc các NNCĐDC. Đến năm 2019, Matt quyết định đến Đà Nẵng sinh sống (trừ thời gian định kỳ về Mỹ điều trị ung thư và thăm gia đình) để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng CĐMDC và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của chất độc này đã gieo rắc tại Việt Nam.
Thông qua những hiểu biết thực tế của mình, bằng hình ảnh chân thực về cuộc sống của những NNCĐDC, qua mạng interrnet, Matt không ngừng tìm cách kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức khắp nơi trên thế giới như Úc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, kể cả Việt Nam… để kêu gọi sự hỗ trợ cho NNCĐDC tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Trong đó, có lần sau khi ông đăng tải video lên mạng, một nhà hảo tâm người Mỹ đã quyên góp 60.000 USD để hỗ trợ Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC mua xe buýt đưa đón các em. Năm 2020, Matt kết hôn với bà Lan (Lana). Vợ chồng ông ngày càng đồng lòng cùng nhau trong các hoạt động xã hội, điển hình nhất là đã vận động các nhà hảo âm hỗ trợ gần 1.000 chiếc xe cho những học sinh ở tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ông Matt cũng là thành viên điều hành của Veterans For Peace Chapter 160 (Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam), tham gia vào nhiều công tác hòa giải, khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam…
Sau khi tham quan một vòng quanh Trung tâm, tại xưởng sản xuất nhang quế, chúng tôi được giới thiệu với thầy giáo dạy nghề Nguyễn Ngọc Phương (38 tuổi, cao 0,95cm, nặng 20kg, quê xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những người con của một thương binh nghèo, bị di chứng CĐDC từ nhỏ. Anh Phương đến Đà Nẵng học tập và mưu sinh nhiều năm qua. Sau quá trình làm tình nguyện viên năng nổ tại Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng, năm 2008, anh được lãnh đạo Hội tuyển dụng làm nhân viên xã hội và bố trí làm hướng dẫn kỹ thuật làm hương tại Trung tâm.
Bằng tất cả nghị lực, anh Phương chịu khó tiếp cận kiến thức trên mạng tìm ra nhiều phương pháp pha chế nguyên liệu rồi hướng dẫn cho các trẻ em nạn nhân da cam làm thành nhiều loại sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của các em được Nhà Tang lễ thành phố tiêu thụ thường xuyên, đồng thời còn bán cho người tiêu dùng tại địa phương, một phần doanh thu chia cho các em, một phần góp vào nguồn chi phí nuôi dưỡng các em hằng tháng.
Bình luận (0)