Năm nào cũng vậy, đến cuối năm lại chật vật với vé máy bay và người tiêu dùng ít có lựa chọn nên đành phải chấp nhận thực tế.
Câu chuyện giá vé máy bay tăng cao thực tế đã diễn ra khá lâu, nhưng để tìm câu trả lời tường tận lại không dễ. Bức xúc này được các đại biểu Quốc hội (QH) chất vấn Bộ Giao thông Vận tải tại nghị trường nhưng kết quả cũng không như mong đợi. Lấy mốc thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2024, Cục Hàng không ghi nhận giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 3 đường bay trục gồm: Hà Nội - TP HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP HCM - Đà Nẵng giá vé có mức tăng lần lượt: Vietnam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), Vietjet (17,9%; 39,9% và 27,0%), Bamboo Airways (2,1%; 24,4% và 22,5%), Vietravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%). Tăng như thế nhưng cơ quan quản lý giải thích "tăng trong trần giá vé cho phép!".
Khó lý luận được với cơ quan quản lý và các hãng máy bay nhưng có thể đưa ra con số để so sánh. Thu nhập bình quân của người Việt Nam khoảng 100 triệu đồng/năm (2023). Nếu Tết đến, một gia đình (4 người) đi từ TP HCM về Đà Nẵng với giá 7 triệu đồng/vé thì chỉ riêng tiền máy bay đi về thôi của gia đình này đã mất 56 triệu đồng - tức là hơn 1/4 thu nhập cả năm của hai vợ chồng.
Lý giải hàng không cũng là dịch vụ nên người tiêu dùng phải chấp nhận thuận mua vừa bán. Ai không đồng ý thì có quyền không sử dụng. Thế nhưng trong điều kiện ít có chọn lựa phương tiện như hiện nay, quyền này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bởi giá vé nội địa quá cao nên người tiêu dùng chọn hành trình rất lạ là mua vé qua Thái Lan xong từ Thái Lan mua vé về Việt Nam. Khá bất ngờ, cách đi như "phượt" này lại tiết kiệm hơn. Và càng bất ngờ hơn là các hãng hàng không lại xem việc này là… bình thường.
Giá vé máy bay không chỉ ảnh hưởng cá nhân người tiêu dùng mà còn tác động lớn đến nền kinh tế. Trong cuộc họp QH vào tháng 5-2024, Ủy ban Kinh tế của QH nhận xét tình trạng giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản đối với du lịch nội địa. Điều này thể hiện rõ qua dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua khi các địa phương hưởng lợi từ hệ thống kết cấu hạ tầng đường cao tốc (như tỉnh Thanh Hóa) đón lượng khách tăng cao kỷ lục, trong khi địa phương phụ thuộc chủ yếu đường hàng không (như Phú Quốc) ghi nhận khách nội địa giảm. Cụ thể, Phú Quốc đón hơn 272.000 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng 2,9% so với cùng kỳ nhưng riêng khách du lịch nội địa giảm 3,6% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động và kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Việt Nam. Du lịch đã được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để nhanh chóng đóng góp lớn cho nền kinh tế. Những ngành khác cũng phải nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung và tất nhiên, hàng không cũng không được ngoại lệ. Xét cho cùng, du lịch phát triển thì chính hàng không là ngành hưởng lợi đầu tiên, từ khi du khách bắt đầu chuyến hành trình. Tăng giá để hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng làm liên lụy các ngành khác là bài toán cần phải cân nhắc và đặt trong tổng thể phát triển của nền kinh tế.
Bình luận (0)