Theo đề xuất, cảng Liên Chiểu gồm: bến cảng container; bến cảng tổng hợp, hàng rời và bến cảng hàng khí, lỏng.
Cụ thể, bến container có quy mô gồm 8 cầu cảng với tổng chiều dài 2.750m tiếp nhận cỡ tàu đến 18.000 teus (200.000DWT) và 700m cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn.
Đến năm 2030, bến cảng này phát triển từ 2 cầu cảng đến 4 cầu cảng. Trong đó, 2 cầu cảng khởi động đáp ứng thông qua hàng hóa từ 7,5 triệu tấn đến 11,9 triệu tấn, 2 cầu cảng còn lại phát triển phù hợp với nhu cầu trung chuyển container quốc tế.
Bến cảng tổng hợp, hàng rời có quy mô gồm 6 cầu cảng với tổng chiều dài 1.550m tiếp nhận cỡ tàu đến 100.000DWT và 500m cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn. Sau năm 2030, bến cảng này phục vụ chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa, Thọ Quang và nhu cầu thông qua hàng hóa tại khu vực.
Bến cảng hàng lỏng, khí có quy mô gồm 8 cầu cảng. Giai đoạn đến năm 2030, phát triển 4 cầu cảng phục vụ di dời các bến phao hàng lồng hiện hữu và 1-2 cầu cảng phục vụ kho dự trữ LNG, LPG xây dựng mới tại Liên Chiểu đáp ứng nhu cầu phát triển quy hoạch hạ tầng dự trữ, xăng dầu khí đốt quốc gia…
UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất phương án trên để triển khai các thủ tục nhằm sớm hoàn thành công tác kêu gọi nhà đầu tu đầu tư theo Nghị quyết số 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Dự án cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng với tổng diện tích 450ha.
Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A - cơ sở hạ tầng dùng chung, với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022.
Tính đến tháng 9-2024, dự án đạt giá trị khối lượng thi công hoàn thành 70%.
Hợp phần B được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỉ đồng.
Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến dự án Cảng Liên Chiểu, trong đó có Tập đoàn Adani của Ấn Độ, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản…
Bình luận (0)