Ngày 2-3, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cùng một số dự án khác trên địa bàn.
Khởi công trong năm nay
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng khối lượng hàng qua cảng Đà Nẵng năm 2016 đạt 7,25 triệu tấn, dự báo sẽ tăng lên 12 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt năng lực của khu cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sau năm 2020, vượt qua khả năng đáp ứng của tuyến đường bộ kết nối cảng qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng môi trường và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của TP.
Cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Theo ông Tuấn, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để mở rộng hệ thống cảng Đà Nẵng là cần thiết, phù hợp với quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành giao thông và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngày 4-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đầu tư dự án này theo hình thức PPP, đồng thời giao Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, bảo đảm khởi công trong năm 2018. Cuối năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án bến cảng Liên Chiểu giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 7.378 tỉ đồng, chia làm 2 hợp phần.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng các bộ liên quan thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Trên cơ sở đó, TP Đà Nẵng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể quan tâm, chủ trì phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ liên quan sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1). Đà Nẵng cũng thống nhất đề xuất giao UBND TP làm cơ quan chủ quản dự án để chủ động trong việc triển khai.
Cần có phương án về vốn
Ông Nguyễn Huy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT - Bộ GTVT, cho biết Bộ KH-ĐT đã đề nghị TP Đà Nẵng lên kế hoạch chi tiết và báo cáo các bộ: KH-ĐT, GTVT, Tài chính để xem xét và sớm trình Thủ tướng Chính phủ về dự án. Theo ông Lâm, Bộ GTVT ủng hộ Đà Nẵng và giao TP làm chủ đầu tư dự án.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, đánh giá cảng Liên Chiểu có vị trí hết sức quan trọng với TP, có sự kết nối giữa đường sắt, đường bộ và gần sân bay. Phía sau cảng Liên Chiểu là toàn bộ các KCN của Đà Nẵng nên đề nghị Bộ GTVT sớm thẩm định.
Về nguồn vốn, ông Nghĩa thừa nhận rất khó khăn, còn kêu gọi đầu tư thì phải có báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Vì thế, ông đề nghị các bộ cần phối hợp thẩm định nhanh dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng tình với quan điểm của Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng về tầm quan trọng của dự án cảng Liên Chiểu và đề xuất nên khẩn trương tổ chức công tác thẩm định. Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất đề xuất giao TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu.
Dịch vụ tốt hơn sẽ được khách lựa chọn
Trước thông tin việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ gây bất lợi cho cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Phan Ngọc Thọ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc làm các dự án có tầm ảnh hưởng đến khu vực sẽ được Chính phủ, bộ - ngành liên quan triển khai lấy ý kiến của các địa phương lân cận. "Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đều nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nếu dự án cảng Liên Chiểu phù hợp với quy hoạch của vùng, liên vùng và của ngành giao thông thì chẳng có vấn đề gì để lo ngại" - ông Thọ nhìn nhận.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, nhận định: "Việc xây dựng cảng ở Liên Chiểu là chiến lược của Đà Nẵng và chẳng ảnh hưởng gì tới chúng tôi. Mỗi bên có một hậu phương và sự hấp dẫn riêng, ai có dịch vụ tốt hơn thì khách hàng lựa chọn".
Cảng Chân Mây nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Liên Chiểu khoảng 30 km. Đây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là 1 trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, cảng Chân Mây sở hữu bến số 1 dài 480 m, trong đó tuyến bến phía biển dài 360 m, với độ sâu trước bến -12,5 m. Bến cảng này đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài đến 362 m. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng hàng hóa, bến số 2 với cầu tàu dài 280 m cho tàu hàng 50.000 DWT sắp được thi công hoàn thành. Dự kiến, trong năm 2018, bến số 3 sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2020.
Q.NHẬT
Bình luận (0)