Thời gian qua, Đà Nẵng đã có các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm hoạt động hiệu quả, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ và di động.
Nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động
Từng là chuyên viên tư vấn dược, đầu năm 2024, anh Phan Văn Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đành quyết định nghỉ việc vì thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc tìm việc, anh được hướng dẫn làm các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
"Bảo hiểm thất nghiệp cũng hỗ trợ một phần chi phí trang trải cuộc sống. Trong thời gian này, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm định hướng, hỗ trợ học nghề miễn phí. Tôi đã mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại, lắp đặt camera nhỏ để có thu nhập, cuộc sống dần ổn định hơn", anh Khánh chia sẻ.
Anh Khánh là một trong trong 18.299 trường hợp đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng đã tiếp nhận, giải quyết 100% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà không có trường hợp sai sót, trễ hẹn trả kết quả.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 6.244 lượt người, hỗ trợ học nghề cho hơn 1.100 người.
Đặc biệt, để kết nối, tạo việc làm cho người lao động, Trung tâm đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm, qua đó kết nối, thu thập thông tin và đăng ký tuyển dụng cho 1.447 doanh nghiệp, với 35.099 vị trí tuyển dụng.
Hiện, Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ Sáu hàng tuần đồng thời tại 3 cơ sở: số 278 Âu Cơ, số 657 Trường Chinh và số 21 Phan Châu Trinh, với hình thức phỏng vấn vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Ngoài ra, vào thứ Sáu của tuần cuối tháng sẽ kết nối trực tuyến cùng với các tỉnh thành miền Trung - Tây nguyên để tăng cường hiệu quả của phiên giao dịch việc làm.
"Đồng thời, trung tâm cũng phối hợp cùng với các phường, xã trên địa bàn như phường Khuê Trung, xã Hòa tiến, xã Hòa Liên, xã Hòa Khương tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối với Trung tâm vào thứ Sáu hàng tuần. Người lao động chỉ cần đến các UBND phường, xã này thì sẽ được giao dịch việc làm, được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tuyến", ông Nguyễn Thanh Diệp cho hay.
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, trong tháng 11, thành phố tăng cường thực hiện việc thẩm định và giải ngân các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm, duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động.
Tính đến tháng 11-2024, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang quản lý, điều hành là 3.529 tỉ đồng; đã thực hiện giải ngân 18.780 dự án với kinh phí 1.283 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm cho 18.821 lao động (mức vay bình quân trên 68 triệu đồng/lao động).
Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm được khoản thu nhập để bù đắp tiền lương nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống. Theo đó, đã thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 14.709 trường hợp với số tiền chi trả gần 344 tỉ đồng.
Tăng cường hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trong tháng 11, Đà Nẵng tăng cường công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đưa được 234 người lao động có hộ khẩu Đà Nẵng đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan,...
Đồng thời, đã tổ chức đưa 699 lao động thời vụ trong ngành nông nghiệp sang Hàn Quốc làm việc đảm bảo an toàn, không có tình trạng bỏ trốn xảy ra.
Mới đây, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp UBND các quận, huyện hướng dẫn triển khai đến tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương để đông đảo người dân có nhu cầu việc làm và đi làm việc ở nước ngoài nắm bắt thông tin.
Đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp; định hướng sinh viên sau khi ra trường tìm kiếm môi trường phù hợp với chuyên môn đào tạo, trường hợp không thể có việc làm trong nước thì có thể tham gia thị trường lao động ngoài nước.
Thành phố cũng giao Sở Ngoại vụ phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương xử lý các rủi ro và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Lựa chọn đối tác nước ngoài có môi trường ổn định, an toàn, thu nhập cao, ngành nghề phù hợp với địa phương để xúc tiến hợp tác, thực hiện các chương trình trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động.
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố phối hợp các sở ngành nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.
Được biết, trong gần 5 năm qua, đã có 2.124 NLĐ có hộ khẩu Đà Nẵng đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, nhất là lao động ở nông thôn.
Bình luận (0)