Ngày 31-10, thảo luận tại tổ về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là đổi mới trong tư duy về nhìn nhận phát triển đô thị.
Theo đại biểu Thuỷ, trước đây chúng ta nhìn nhận phát triển đô thị phải là nơi tập trung dân cư cao, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng, phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tư duy đó đã thay đổi, chúng ta hướng đến phát triển các đô thị bền vững, đô thị danh, đô thị di sản. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết vào năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa IX, việc thành lập Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đã được trình Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội khóa IX không thông qua đề án do còn nhiều băn khoăn.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, thời điểm đó, nhiều ý kiến lo ngại khi một số huyện của TP Huế còn khó khăn như huyện A Lưới thậm chí chưa có điện. Song sau nhiều năm phát triển, Huế đã phát triển mạnh mẽ, hội tụ đủ các yếu tố để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh Huế là "thành phố rất đặc biệt" với nhiều "tài sản" mà không địa phương nào có được.
"Nếu địa phương khác, chỉ có một di tích lăng tẩm như Huế thì sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch. Ở Huế, nơi có nhiều di tích, lại đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói và nhấn mạnh việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là rất cần thiết, đáp ứng các yêu cầu phát triển.
"Theo tôi, Huế phải là thành phố trực thuộc Trung ương từ lâu rồi. Hiện nay chúng ta trình cũng là điều vô cùng đáng mừng"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói. Ông Sơn lưu ý khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, cần giải quyết các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữ gìn và phát huy giá trị di sản.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục tin tưởng khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ góp phần lớn hơn vào sự phát triển của khu vực miền Trung và cả nước, minh chứng cho giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, thành phố Huế trực thuộc Trung ương được lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Diện tích là 4.947 km2 và dân số 1,23 triệu. Sau thành lập, TP Huế trực thuộc Trung ương có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Thành phố Huế trực thuộc trung ương đã đạt đủ các tiêu chuẩn của đô thị di sản, gồm tỉ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc; thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vừa thể hiện ý chí, nguyện vọng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới ở Huế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao đời sống của người dân.
Bình luận (0)