Sáng 25-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Báo cáo giám sát, bên cạnh ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực, cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đó là một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỉ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi sau tác động của dịch COVID-19.
Số tiền hỗ trợ lãi suất 2% lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỉ đồng (tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách) cho gần 2.300 khách hàng. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỉ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá sự thất bại của gói hỗ trợ lãi suất 2% khi chỉ giải ngân được 3,05% do không khả thi. Nhưng nhìn ở khía cạnh nào đó cũng chưa hẳn là thất bại, bởi nếu gói hỗ trợ này hoạt động tốt, chắc chắn việc đối phó với lạm phát năm 2022 sẽ khó khăn hơn rất nhiều - như giai đoạn gói kích cầu năm 2009 đã gây lạm phát cho năm 2011.
Vị đại biểu là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá gói giảm thuế VAT phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sản có.
Về chính sách tiền tệ, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng năm 2022 và 2023 là thời điểm "toát mồ hôi", nhưng giờ nhìn lại, chúng ta có nhiều kết quả tích cực, dù còn những tồn tại. Tuy nhiên về lâu dài, cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất điều hành tín dụng hơn là dùng công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng room tín dụng.
"Cũng cần phải nói thêm rằng có cái tình trạng "tát nước theo mưa" - tức là việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng có ngành đã xin thêm, ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ khiến cho năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số rất là kỉ lục" - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Ông cũng cảm thấy tiếc trong qua trình thực hiện. Chẳng hạn việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT hai phần trăm đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng ngắc, phải phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Còn chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm sau - đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp, song điều này lại phụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ lại ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên không trình.
Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình có hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa ra chính sách vào cuộc sống.
Bình luận (0)