xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế (*): Thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng

Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Doanh nghiệp bước vào quý IV/2023 với tâm thế lạc quan hơn bởi đơn hàng xuất khẩu dần quay lại trong khi thị trường nội địa cũng ấm dần lên nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), động lực tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và tiêu dùng nội địa càng hiện hữu rõ hơn khi những chỉ báo về tăng trưởng xuất khẩu, bán lẻ đã có sự cải thiện và đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Xuất khẩu lạc quan trở lại

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp gần đây (tháng 5, 6, 7, 8) duy trì tăng trưởng dương. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù 8 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may, da giày và đồ gỗ Việt Nam là Mỹ, EU đều giảm khá mạnh nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ - sản phẩm từ gỗ. 

Nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật và khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường.

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế (*): Thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng - Ảnh 1.

Nhu cầu mua sắm cuối năm gia tăng và các biện pháp kích cầu sẽ giúp tiêu dùng khởi sắc hơn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Saigon 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, thông báo tin vui là các DN dệt may Việt Nam đang có đơn hàng xuất khẩu trở lại do các thị trường bắt đầu có nhu cầu mua sắm cuối năm. Đây là động lực để DN tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cuối năm. 

Để có thêm đơn hàng, các DN cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến các thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm ở thị trường quen thuộc và đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất xanh theo từng thị trường, đối tác. Và để làm được điều này, DN cần tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi sang sản xuất xanh song song với nắm tình hình sức mua, sự phục hồi của thị trường để đầu tư sản xuất hàng hóa có giá phù hợp.

Trong lĩnh vực da giày, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) dự báo xuất khẩu ngành này sẽ phục hồi vào quý IV nhưng tính chung cả năm dự tính vẫn giảm khoảng 7,5% so với năm trước. 

"Tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến quý I/2024. Tuy nhiên, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực khi hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm. Đơn cử, tỉ lệ tồn kho hàng da giày ở Mỹ từ 20% trong tháng 6 đã giảm còn 10% trong tháng 8, khả năng cuối năm sẽ về 0%" - ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, dẫn chứng.

Đối với mảng nông - lâm - thủy sản, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt (Vietpepper, TP HCM), cho hay từ giữa tháng 8, xuất khẩu phục hồi khi các nhà nhập khẩu EU, Mỹ chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. 

Đáng chú ý, nhiều khách hàng trước đây mua nguyên liệu về đóng gói thì nay đặt hàng công ty gia công thành phẩm cuối cùng để đưa thẳng lên kệ hàng do chi phí nhân công tại EU, Mỹ đắt đỏ. Nhờ vậy, ngoài lượng hàng mang thương hiệu Vietpepper thì hàng gia công khá nhiều, giúp DN tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%-15%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (Đồng Nai), thông tin từ quý III, xuất khẩu đã phục hồi rõ rệt. Điều này giúp xuất khẩu 9 tháng đầu năm của DN tăng 25% về sản lượng, tăng 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. "Để về đích cuối năm với mục tiêu tăng trưởng 20%-25% so với năm ngoái, công ty đang nỗ lực giữ khách hàng cũ và khai phá thêm những thị trường mới như: Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu" - ông Thứ nêu.

Một thông tin tích cực là nông sản - thực phẩm Việt Nam đang có nhiều lợi thế nên được nhà nhập khẩu tin tưởng đặt hàng. 

"Trước đây, khi mua nông sản - thực phẩm, khách hàng thường chọn Thái Lan nhưng nay Việt Nam được tìm kiếm nhiều bởi có nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm có công suất lớn đạt các tiêu chuẩn cao của quốc tế. Hơn nữa, nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, sản phẩm của chúng ta có giá cạnh tranh hơn" - ông Thứ phân tích.

Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), chuyên xuất khẩu tôm, cũng xác nhận đơn đặt hàng khá nhiều nhưng nguyên liệu thiếu nên DN không tận dụng hết cơ hội. Nguyên do, thời gian qua lãi suất vẫn ở mức cao nên DN không có vốn để trữ nguyên liệu, chủ yếu có hợp đồng mới tổ chức thu mua, sản xuất.

Tất bật cho thị trường cuối năm

Với tiêu dùng trong nước, thời điểm này, các DN đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia, cho biết kết quả kinh doanh cả năm phụ thuộc vào quý IV nên đang tổng lực để chuẩn bị cho mùa bán hàng lớn nhất năm. Mục tiêu của DN năm nay là đạt doanh số tương đương năm ngoái nhưng phải chuẩn bị kỹ càng hơn.

Để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, DN tung ra nhiều sản phẩm kích cỡ lớn, nhiều sản phẩm ở phân khúc trung bình. Đặc biệt, DN còn dự trù ngân sách lớn để phối hợp với các hệ thống bán lẻ tung ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu. 

Ngoài ra, Lê Gia còn tung ra một số sản phẩm mới ăn liền, tiện lợi khi người tiêu dùng ngày càng bận rộn. Nhờ đó, dù thị trường chung giảm nhưng các mặt hàng như: kho quẹt, chà bông tép biển, thịt chưng sẵn, cá thu chưng... vẫn tăng trưởng tốt. DN tiếp tục tung thêm sản phẩm mới như: xốt gia vị hoàn chỉnh cá kho, thịt kho, mắm ruốc xào, mắm tép kim chi,... để thăm dò thị trường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), tổng thể bán lẻ qua thương mại điện tử cuối năm nay sẽ tăng trưởng rất mạnh, cao hơn thị trường chung. Nguyên nhân do những người ở độ tuổi 30-40, giữ kinh tế gia đình, quyết định mua sắm trong gia đình đã quen với mua online và họ bận rộn với công việc nên không có thời gian đi sắm Tết kiểu truyền thống. 

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng tăng các chương trình khuyến mãi, miễn phí giao hàng... nên giá cả rất cạnh tranh. "Tuy vậy, các DN cần chuẩn bị kịch bản bán hàng cho những dịp cao điểm, hợp tác với những người livestream thích hợp để thúc đẩy doanh số" - ông Tấn lưu ý.

Tại TP HCM, dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân sẽ gia tăng trong khi giá xăng, giá nguyên vật liệu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng giá cả hàng hóa tăng là khó tránh khỏi. Các sở, ngành và DN của thành phố đã chuẩn bị rất kỹ các phương án để can thiệp khi cần thiết. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết để tạo niềm tin thị trường cho người tiêu dùng lẫn DN, thành phố đã có chỉ đạo và Sở Công Thương tập trung tối đa cho chương khuyến mãi tập trung lần 2-2023 vào cuối năm. 

Sở Công Thương cũng tận dụng tối đa các dịp như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm với đầy đủ thông tin để DN tham gia. "Khi DN có niềm tin, có kế hoạch cụ thể thì sẽ sản xuất, dự trữ, cung ứng đầy đủ. Mặt khác, khi có sự chuẩn bị tốt, DN sẽ tính toán giá bán ổn định, hợp lý nên không lo giá cả tăng đột biến" - ông Phương nêu.

Trước thông tin Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế GTGT thêm 6 tháng, tức tới giữa năm 2024 (thay vì đến ngày 31-12-2023), các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối đều phấn khởi. 

"Thuế GTGT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp giảm giá hàng hóa, dịch vụ, kích thích mua sắm tiêu dùng, giúp DN bán được nhiều hàng hơn, đặc biệt là trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm" - bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, nói. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10

Chú trọng vào chất lượng hàng xuất khẩu

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 10-10, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết dựa vào kết quả xuất khẩu, đơn hàng hiện tại, ngành điều chắc chắn đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 3,2 tỉ USD năm nay. "Tuy nhiên, các DN cần tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm để giữ uy tín thương hiệu Việt. Bởi hiệp hội đã nhận được cảnh báo từ các khách lớn về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống" - ông Công thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo