Hãng tin Yonhap dẫn lời chủ tịch nhà trường, ông Kim Dong-won, rằng ủy ban học thuật của trường sẽ trừ điểm những thí sinh từng bị đuổi học hoặc phải chuyển trường vì bắt nạt bạn học.
Tại cuộc họp báo ngày 21-3, ông Kim nhấn mạnh những thí sinh như vậy không phù hợp với các lý tưởng của trường - bao gồm "vị tha, tố chất lãnh đạo và cộng đồng". Ông nói: "Hiện nay, chỉ 0,1 điểm cũng đã ảnh hưởng kết quả thi vào trường. Do đó, bị trừ tới 20 điểm thì chắc chắn không đậu nổi".
Đại học Hàn Quốc nằm trong tốp ba trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Hai trường còn lại là Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Yonsei.
Theo nghiên cứu của Văn phòng Giáo dục vùng Seoul (Smoe) hồi tháng 12 năm ngoái, tỉ lệ học sinh ở thủ đô Seoul từng bị bắt nạt đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm qua.
Trong số 486.729 học sinh được khảo sát (từ lớp 4 đến năm cuối trung học), 2,2% trả lời từng bị đối xử không đúng ở trường, tăng 2 điểm % so với năm 2022. Sỉ nhục bằng lời nói là dạng bạo lực học đường phổ biến nhất, tiếp đến là bạo lực thân thể và bắt nạt.
Để đối phó tình trạng này, nhiều biện pháp đang được thực thi, chẳng hạn xem xét "hồ sơ bắt nạt" của thí sinh thi đại học bắt đầu từ năm học 2026-2027. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang cân nhắc kéo dài thời hạn "hồ sơ bắt nạt" cho đến tận lúc kẻ từng ức hiếp bạn học nộp đơn xin việc.
Tờ Straits Times cho biết những năm gần đây, nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc bị phanh phui bê bối bắt nạt. Năm 2021, nam diễn viên Ji Soo bị cắt vai sau khi thừa nhận từng bắt nạt và "săn mồi tình dục" ở trường học. Cùng năm, cặp sinh đôi ngôi sao Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị loại khỏi đội tuyển bóng chuyền quốc gia do đã ức hiếp đồng đội thời trung học.
Bình luận (0)