Trong 159.986 người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, có đến 58.620 lao động chọn sang Đài Loan (Trung Quốc), đứng thứ 2 sau Nhật Bản. Điều đó cho thấy Đài Loan vẫn là thị trường được nhiều NLĐ lựa chọn khi có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Tăng cơ hội làm việc
Báo cáo mới đây của nền tảng tuyển dụng lớn nhất Đài Loan là 104JobBank cho thấy vùng lãnh thổ này thiếu nhân công trong các lĩnh vực sản xuất, bán dẫn, bán lẻ, thực phẩm, khách sạn và xây dựng. Để khắc phục tình trạng này, Đài Loan đã có hàng loạt biện pháp về mặt chính sách dành cho NLĐ và sinh viên (SV) quốc tế.
Đài Loan có số lượng SV quốc tế đạt mức kỷ lục 130.000 người vào năm 2019, những năm tiếp theo, lượng SV quốc tế mới đến khoảng 18.000 người. Đây là nguồn nhân lực cần thiết nên chính quyền Đài Loan cho phép nới lỏng các quy định về thị thực nhằm cho phép SV đại học nước ngoài ở lại lâu hơn sau khi tốt nghiệp để kiếm việc làm. Theo đó, SV quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Đài Loan trong 2 năm, thay vì chỉ từ 6 tháng đến 1 năm như trước đây để tìm việc làm. SV các ngành sản xuất và xây dựng có thể nhận được học bổng 2 năm và thủ tục cấp học bổng rất nhanh chóng.
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, từ đầu năm 2024, Đài Loan đã tăng lương cơ bản theo lộ trình cho NLĐ, bao gồm cả NLĐ nước ngoài. Mức lương cơ bản mới áp dụng từ ngày 1-1 là 27.470 đài tệ/tháng (tương đương 21,5 triệu đồng), tăng hơn 4% so với trước đây. Mức lương cơ bản này áp dụng đối với lao động ký hợp đồng hưởng lương theo tháng. Trường hợp tiền lương cơ bản của NLĐ được hưởng theo giờ thì được điều chỉnh tăng từ 176 đài tệ/giờ (136.717 đồng/giờ) lên 183 đài tệ/giờ (142.154 đồng), biên độ tăng gần 4%.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng cho biết quy định mới của phía Đài Loan cho phép lao động làm công việc xây dựng dân dụng có thể làm việc cho nhiều công trình của cùng một chủ sử dụng lao động trong thời hạn hợp đồng là 3 năm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-1 vừa qua.
Trong thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể điều động NLĐ đến địa điểm công trình cụ thể để làm việc. Nếu chưa bố trí được việc làm cho NLĐ thì NSDLĐ có trách nhiệm trả lương với mức tối thiểu bằng mức cơ bản theo hợp đồng cho NLĐ. NSDLĐ phải bố trí phương tiện hoặc chi trả chi phí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại cho NLĐ.
Siết các doanh nghiệp dịch vụ
Đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị doanh nghiệp (DN) dịch vụ trước khi ký kết hợp đồng cung ứng lao động cần kiểm tra năng lực của NSDLĐ, quy mô của dự án, thu nhập thực tế của NLĐ, chế độ phúc lợi… nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Đồng thời, yêu cầu đối tác cung cấp kế hoạch bố trí công việc theo thời hạn hợp đồng lao động.
Cùng với đó, cần thông báo tuyển chọn lao động công khai, minh bạch, đầy đủ, đúng nội dung công việc đối tác yêu cầu về điều kiện làm việc, sức khỏe, ăn, ở, mức lương, cơ hội làm thêm giờ, thu nhập dự kiến và chế độ của NLĐ, bảo đảm đủ thông tin cần thiết để NLĐ lựa chọn, quyết định.
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có văn bản gửi các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc tại Đài Loan về việc thị trường này sửa đổi, bổ sung quy định mới liên quan đến công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài. Theo đó, phía Đài Loan đã sửa đổi một số nội dung trong quy định về cấp phép và giám sát các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân theo quy định của Luật Dịch vụ việc làm Đài Loan.
Theo quy định mới, các công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài sẽ không được gia hạn cấp phép hoặc bị hủy bỏ giấy phép nếu trong 2 năm trước khi nộp hồ sơ gia hạn giấy phép có số lao động bỏ trốn trong vòng 30 ngày đầu sau khi nhập cảnh đạt đến tỉ lệ và số người theo quy định. Sửa đổi quy định cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan định kỳ vào các tháng 3, 6, 9 và 12 hằng năm kiểm tra số lượng và tỉ lệ lao động nước ngoài bỏ trốn trong vòng 30 ngày sau khi nhập cảnh. Nếu vượt quá số lượng và tỉ lệ như trên sẽ tạm dừng cấp thị thực cho lao động nước ngoài do công ty dịch vụ nhân lực đó phái cử.
Nếu NLĐ nước ngoài bỏ trốn trong vòng 30 ngày sau khi nhập cảnh, nguyên nhân là do công ty môi giới nhân lực Đài Loan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tiếp nhận NLĐ nước ngoài, thì những lao động bỏ trốn này sẽ bị tính vào số lượng và tỉ lệ lao động bỏ trốn của công ty môi giới nhân lực Đài Loan. Không tính vào số lượng và tỉ lệ lao động bỏ trốn của công ty dịch vụ nhân lực nước ngoài.
Các quy định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30-1-2024.
Bình luận (0)