Sử dụng hệ thống kính viễn vọng vô tuyến mạnh mẽ CHIME đặt tại Canada, các nhà khoa học đã phát hiện được một vật thể "hiếm, kỳ lạ và độc đáo" đến nỗi được đặt biệt danh là "kỳ lân vũ trụ" - ngụ ý nó khác thường đến khó tin, khó giải thích bằng các kiến thức hiện tại.

Chân dung "kỳ lân vũ trụ" - Ảnh đồ họa: NSF/AUI/NSF NRAO/P.Vosteen
CHIME J1634+44, còn được gọi là ILT J163430+445010 (J1634+44), là một phần của lớp thiên thể "Biến động vô tuyến chu kỳ dài" (LPT).
Các LPT phát ra các đợt sóng vô tuyến lặp lại theo thang thời gian từ vài phút đến vài giờ, quét các chùm bức xạ khắp vũ trụ khi chúng quay.
Chu kỳ phát xạ của các LPT dài hơn đáng kể so với sự phát xạ của các sao xung thông thường. Sao xung là một dạng quay nhanh của sao neutron - "thây ma"của các ngôi sao khổng lồ đã sụp đổ sau khi hết nhiên liệu.
Trong số các LPT từng được phát hiện, CHIME J1634+44 khác thường nhất, với nhiều tính chất cực đoan hơn và là cái duy nhất có tốc độ quay tăng nhanh.
Các vụ bùng nổ sóng vô tuyến từ vật thể này lặp lại sau mỗi 841 giây (hơn 14 phút) nhưng có một chu kỳ thứ cấp riêng biệt là 4206 giây (khoảng 70 phút) dài hơn chính xác 5 lần so với chu kỳ chính.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế Fengqiu Adam Dong từ Đài quan sát Green Bank (GBO - Mỹ) CHIME J1634+44 rất có thể là một sao neutron khác thường.
Một số sao neutron mới có thể quay tới 700 vòng mỗi giây và được gọi là sao xung. Tuy nhiên, khi nó già đi, nó phải quay chậm lại. CHIME J1634+44 gây bối rối khi nó ngày một tăng tốc.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng "kỳ lân vũ trụ" có thể không phải là một ngôi sao chết đơn độc mà là một hệ thống, bao gồm một sao neutron và một thiên thể bí ẩn nào đó đang quay quanh nhau.
Thiên thể đồng hành này có khả năng là một sao neutron khác, một sao lùn trắng (thây ma của các ngôi sao cỡ Mặt Trời) hoặc một sao lùn nâu - dạng vật thể nằm ở trạng thái lưng chừng giữa sao và hành tinh.
Sao neutron có lẽ đang "ăn thịt" dần người bạn đồng hành và điều đó đã tiếp cho nó thêm năng lượng để quay ngày một nhanh.
Bình luận (0)