Theo tờ Kyiv Independent, gói viện trợ nhằm đáp ứng cả nhu cầu quốc phòng ngắn hạn và dài hạn của Ukraine. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để mua thiết bị quân sự mới từ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine và các đối tác quốc tế của nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ngày 19-8 phát biểu: "Hôm nay, chúng tôi thực hiện thêm một bước nữa với gói viện trợ quân sự thứ 20, sẽ cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự rất cần thiết để tạo nên sự khác biệt trước cuộc xung đột với Nga".
Vì lý do an ninh, thông tin chi tiết về gói viện trợ vẫn chưa được tiết lộ.
Theo ông Rasmussen, Đan Mạch không phản đối việc Ukraine sử dụng thiết bị quân sự do Đan Mạch cung cấp trong cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga. Ông Rasmussen nhấn mạnh Đan Mạch coi các hoạt động quân sự của Ukraine bên trong nước Nga là một phần trong chiến lược phòng thủ của Ukraine.
Đan Mạch là một trong những nước hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Ukraine tại châu Âu. Trước đó, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên tặng 18 khẩu pháo Bohdana do Ukraine sản xuất cho Kiev bằng cách mua trực tiếp từ ngành công nghiệp quốc phòng nước này, giải quyết tình trạng hạn chế ngân sách quốc phòng của Ukraine.
Cũng trong ngày 19-8, chính phủ Đức thông báo Đức đã cung cấp một hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLS mới, 14.000 viên đạn 155 mm, 10 máy bay không người lái của hải quân và các thiết bị khác trong đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Tờ Kyiv Independent cho biết đây là hệ thống IRIS-T SLS thứ ba mà Đức chuyển giao cho Kiev. SLS là một biến thể tầm ngắn với tầm hoạt động 12 km. Berlin cũng cho biết nước này đã cung cấp 4 phiên bản IRIS-T SLM tầm trung, có thể bắn tên lửa xa tới 40 km.
Ngoài hệ thống IRIS-T SLS, gói viện trợ quân sự mới cũng bao gồm 700 súng trường tấn công MK 556, 10 súng trường có độ chính xác cao HLR 338 cùng đạn dược, 50 súng trường CR 308, 26 máy bay không người lái trinh sát VECTOR cùng các phụ tùng thay thế, vật liệu xử lý bom mìn, 55.000 bộ dụng cụ sơ cứu, một xe cứu hộ bọc thép Bergepanzer 2 cùng phụ tùng thay thế.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Đức đã cung cấp hoặc cam kết hỗ trợ quân sự trong những năm tới trị giá khoảng 28 tỉ euro (31 tỉ USD). Berlin dần trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ, mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn còn ngần ngại cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là tên lửa tầm xa Taurus.
Một số phương tiện truyền thông gần đây cho biết Bộ Tài chính Đức không có kế hoạch phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, cả Kiev lẫn Berlin đều bác bỏ thông tin này.
Bình luận (0)