Theo dài RT, kể từ khi phát động cuộc tấn công lớn sang khu vực biên giới của Nga vào tuần trước, Kiev đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây cho phép họ sử dụng một số loại vũ khí do các nước này viện trợ, bao gồm tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ.
ATACMS có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km và có thể được phóng từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất.
Tuy vậy, khi được hỏi về yêu cầu này, bà Singh hôm 15-8 cho biết Washington đã làm việc với Kiev, rằng việc thực hiện các cuộc tấn công tầm xa sâu vào Nga không nhất thiết phục vụ mục tiêu giành lại những vùng đất của Ukraine mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập năm 2022.
"Tất nhiên, chúng tôi lo ngại về sự leo thang" - bà Signh nói.
Vào cuối tháng 5, một số cơ quan truyền thông như CNN và Reuters đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bí mật cấp phép cho Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga.
Động thái này được cho là nhằm đáp trả hoạt động của Nga ở vùng Kharkov - phía Đông Bắc Ukraine được Nga phát động vào đầu tháng đó.
Vào tháng 6, tờ Washington Post dẫn lời một số quan chức Ukraine rằng Mỹ đã đặt ra giới hạn về khoảng cách mà quân đội nước này có thể bắn vào lãnh thổ Nga là "dưới 100 km".
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo đã phá hủy một hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất mà họ cho là được sử dụng để tấn công khu vực Kursk.
Đầu tuần này, tờ The Telegraph cũng đưa tin Chính phủ Anh đã từ chối cho phép Kiev sử dụng Storm Shadow - một loại tên lửa tầm xa khác mà Anh viện trợ Ukraine - để hỗ trợ cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga.
Bình luận (0)