Đất Đầm Bông nhiều năm trước được chính quyền chia, giao cho các hộ dân quản lý, sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp. Theo những người sống tại đây, Đầm Bông khi đó chỉ có mặt nước, hầu như bỏ hoang. Về sau có người đứng ra thuê, mua, gom đất lại để nuôi thủy, hải sản. Cũng từ đó, tình trạng lấn chiếm, xây dựng như "nấm sau mưa".
Một góc Đầm Bông bị lấn chiếm Ảnh: HỮU HƯNG
Mua đi bán lại lời gần gấp 3
Dù là đất nông nghiệp, đất lấn chiếm nhưng tình trạng mua bán, cho thuê đất tại khu vực này luôn trong bầu không khí sôi động. Nhiều vị trí đẹp ngay mặt đường Trần Điền được "chủ nhân" hét giá hơn 40 triệu đồng/m2. Đi vào sâu hơn, một số lô đất dao động từ 20-26 triệu đồng/m2, kém "đắc địa" chút nữa thì cũng 12-15 triệu đồng/m2.
Khu vực này có chỗ được hét giá 40 triệu đồng/m2
Trong vai người cần thuê nhà kho chứa hàng, chúng tôi tìm đến những hộ dân sống gần khu vực này, họ đều quả quyết cơ bản mặt nước Đầm Bông đã bị lấn chiếm, xây dựng và đều đã có chủ.
Bà Nguyễn (một cán bộ ở khu vực này; tên đã được thay đổi) cho biết những năm gần đây số lượng người đổ về rất đông, chỉ thời gian ngắn đã tăng thêm vài trăm hộ. Đất nhà bà ngoài rìa Đầm Bông nên có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chứ nhiều người phía trong vì đang sống trên đất nông nghiệp nên không có. Trong lúc nói chuyện, người phụ nữ bày tỏ băn khoăn rằng về lâu về dài thì không biết nhà nước xử lý thế nào.
Từ ngày 11 đến 30-12, bạn đọc đăng ký tài khoản đọc báo ở chuyên mục DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP và thanh toán phí bài đang xem hoặc các gói cước khác sẽ nhận được 1 voucher trị giá 100.000 đồng.
Voucher áp dụng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng gọi món ShopeeFood và ví điện tử ShopeePay.
Bạn đọc đăng ký và thanh toán xong vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0903 34 34 39 hoặc Zalo: 0903 34 34 39 để được nhận voucher (cho đến khi hết số lượng 350 voucher).
Sau khi rà soát sổ sách, bà Nguyễn gọi điện cho một vài người quen để hỏi còn mảnh đất hay nhà kho nào cho thuê hay không. Bà Nguyễn sau đó giới thiệu cho chúng tôi ông Quý (tên đã được thay đổi), người được cho là có hơn 1.000 m2 đất ở Đầm Bông.
Chúng tôi liên lạc với ông Quý, ông này thừa nhận bản thân cũng chỉ mua đi bán lại đất nông nghiệp, đất không có sổ đỏ để kiếm lời. "Mảnh đất của tôi hơn 1.000 m2 ở Đầm Bông, tôi mua mấy năm trước giá 6 triệu đồng/m2, nhưng cần tiền nên vừa bán cho người khác với giá hơn 15 triệu đồng/m2. Người ta cũng mua đầu tư, mua để đấy rồi chờ được thay đổi quy hoạch chứ chưa sử dụng. Nếu cậu muốn thuê thì tôi giới thiệu lô khác" - ông Quý đặt vấn đề.
Thấy chúng tôi tỏ ý nhất định cần một nhà kho rộng ở mặt đường để tiện vận chuyển hàng, ông Quý liền giới thiệu một nhân vật mà mọi người ở đây đều công nhận là ông trùm đất Đầm Bông. Nhân vật được nhắc tới có tên N.N.K, ngoài biệt danh "trùm đất", ông này còn được gọi với tên sang trọng hơn - "đại gia đất".
Ông N.N.K này cũng được biết đến là người đại diện của một tập đoàn có tiếng ở Hà Nội. Một cán bộ đang công tác ở phường Định Công cho hay dù về phường công tác được vài năm nhưng khi về thì ông K. đã rất nổi tiếng vì có nhiều đất, kho xưởng cho thuê ở Đầm Bông.
Cán bộ "né" nói về "ông trùm"
Sau nhiều lần hẹn thì chúng tôi gặp được "ông trùm". Thêm một bất ngờ nữa khi chúng tôi phát hiện ông này nhiều lần xuất hiện trong tivi, trên mặt báo.
Trong lúc nói chuyện, ông K. tự giới thiệu bản thân có nhiều lô đất trong cũng như ngoài nội thành Hà Nội, cả đất nông nghiệp lẫn đất thổ cư. Ai có "nhu cầu thế nào cũng đáp ứng".
Sau nhiều lần điện thoại, cuối cùng “ông trùm đất” cũng ra mặt. “Ông trùm đất” (ảnh nhỏ) khẳng định cứ sửa bên trong nhà vô tư, ai hỏi cứ nhắc đến ông
Ông K. gợi ý cho chúng tôi một dãy đất đã mọc lên công trình xây dựng kiên cố ở Đầm Bông, ngay mặt đường Trần Điền.
"Đất nhà tôi cả dãy đấy nhưng cho thuê hết rồi... Hiện còn 3 lô ở mặt đường Trần Điền, diện tích vào khoảng 350 m2 đến 400 m2, nhiều người muốn thuê nhưng tôi chưa cho vì còn nhiều đồ đạc ở đấy" - ông K. nói. "Đại gia đất" cũng lý giải việc chần chừ vì có người muốn dọn cả gia đình vào nên ông không đồng ý bởi "sau này phức tạp".
Theo ông K., 3 lô đất của ông đã xây dựng cơ bản, nếu chúng tôi muốn thay đổi nội thất bên trong thì "cứ vô tư", làm nhưng đừng phá kết cấu cũ là được. "Cứ đóng cửa mà làm, ai hỏi thì nói sửa nhà cho ông K.".
"Trùm đất" ra giá thuê 3 lô là 50 triệu đồng/tháng, điện 3 pha, nhà nào có đồng hồ nhà đấy. Nước dùng bao nhiêu tính bấy nhiêu. "Ở khu đấy tôi phải trả cả trăm triệu tiền điện mỗi tháng đấy" - người đàn ông nhấn mạnh con số rồi nói nếu chúng tôi đồng ý thuê thì sẽ giảm một chút chứ không giảm được nhiều "vì khu vực đấy vị trí đẹp, rất thuận tiện".
Về nhân vật K. này, một cán bộ từng công tác tại phường Định Công xác nhận ông K. đã thầu, thuê đất Đầm Bông từ rất lâu rồi làm hẳn một cái "đảo" để nuôi cá, nuôi rùa. Ông K. là một người nổi tiếng khu vực này.
"Nhân vật này không đơn giản, được cho là còn có cả bằng tiến sĩ, quan hệ rộng và rất giàu. Rất nhiều diện tích đất Đầm Bông là của nhà ông K., chỉ một số ít là của người dân khác. Ngoài khu vực Đầm Bông, ông này còn nổi tiếng vì đã thuê, thầu được rất nhiều đất ở nhiều nơi trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và ở Hà Nội nói chung" - vị cán bộ từng công tác tại phường Định Công tiết lộ.
Trong khi đó, nhiều cán bộ đang công tác ở phường Định Công đều có ý "né tránh" khi được hỏi về ông K.
"Không báo nên chính quyền khó kiểm soát"
Ông K. cho biết khu vực đất Đầm Bông là đất dự án công viên cây xanh của thành phố đã quy hoạch. Người đàn ông "khoe" trước đây gom, mua đất của người dân và đã làm được 25 sổ đỏ. Trong sổ đỏ cũng ghi đất nằm trong dự án.
"Đất mặt đường đấy thì đắt lắm, phải hơn 40 triệu đồng/m2, còn đất trong đảo thì rẻ hơn. Nếu muốn mua thì tôi bán cho cả cái đảo ở đấy... Đất ông Quý tôi cũng mua cho. Ông Quý mua xong đổ tí đất vào san lấp mà đã bán được gấp đôi" - ông kể.
Ông Phùng Việt Nam, cán bộ địa chính phường Định Công, khẳng định toàn bộ diện tích tại khu vực Đầm Bông là đất nông nghiệp. Việc người dân mua bán đất nông nghiệp đã có quy hoạch là sai quy định nhưng khó kiểm soát vì họ mua bán với nhau, không thông báo chính quyền.
Mua bán đất dự án là bất hợp pháp
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng việc người dân mua bán đất nông nghiệp, đất đã quy hoạch dự án như tại Đầm Bông là bất hợp pháp, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy trong tương lai. Đất dự án thì khi nhà nước thu hồi sẽ căn cứ theo hồ sơ. Nếu là đất vi phạm gần đây, người dân có khả năng không được bồi thường như mong muốn.
Luật sư Tú cũng nhận định tình trạng lấn chiếm đầm, ao, hồ ở Hà Nội đã có từ lâu do nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Cá biệt ở một số nơi, chính quyền "tặc lưỡi" để dân có chỗ ở...
"Hầu hết các đầm, ao, hồ ở Hà Nội đều có quy hoạch nhưng chậm thực hiện nên dẫn đến việc người dân lấn chiếm. Tôi thấy một số đầm, hồ không chỉ người dân lấn chiếm mà chính quyền cũng đồng ý cho san lấp hồ để xây dựng những chung cư hay công trình khác... Việc người dân lấn chiếm đất đầm, ao, hồ như ở Đầm Bông, TP Hà Nội cần nhanh chóng chỉ đạo, rà soát lại để xử lý dứt điểm, tùy theo mức độ vi phạm của từng thời kỳ mà có những cách xử lý phù hợp" - luật sư Tú nói.
Cũng theo vị luật sư, một số hồ, đầm được chính quyền đồng ý cho san lấp để xây dựng những chung cư hay công trình khác, điều này gây ra nhiều hệ lụy...
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-12
Bình luận (0)