xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

3,5 ha đất Đầm Bông giữa thủ đô "biến mất"

NHÓM PV VP MIỀN BẮC

L.T.S: Tại TP Hà Nội, tình trạng lấn chiếm đầm, ao, hồ diễn ra phức tạp nhiều năm qua. Quận Hoàng Mai, một trong những địa bàn có nhiều đầm, ao, hồ nhất... và theo điều tra của Báo Người Lao Động, nhiều đầm bị lấn chiếm nghiêm trọng, như Đầm Bông, phường Định Công. Ai đứng sau? Ai chịu trách nhiệm?... Những câu hỏi này sẽ lần lượt có đáp án trong loạt phóng sự.


Tại quận Hoàng Mai, tình trạng vi phạm, lấn chiếm trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan trong thời gian dài, tới nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội từng vào cuộc và chỉ ra hàng loạt vi phạm tại đây. Cụ thể, năm 2019, Thanh tra Sở TN-MT TP Hà Nội xác định có 1.421 công trình vi phạm trên địa bàn phường Định Công, riêng vi phạm trên đất nông nghiệp có đến 1.378 công trình.

Từ những thông tin trên, phóng viên Báo Người Lao Động lên kế hoạch tìm hiểu. Địa điểm được lựa chọn đầu tiên là Đầm Bông, phường Định Công.

"Như được thần đèn tiếp tay"

Đầm Bông rộng khoảng 3,5 ha nằm ở vị trí đắc địa cạnh đường Vành đai 2,5, ngay gần khu đô thị Định Công. Năm 2005, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai, trong đó khu công viên hồ điều hòa có ký hiệu là A1/CXKV rộng hơn 25 ha gồm 4 khu vực. Đầm Bông là 1 trong 4 khu vực này.

3,5 ha đất Đầm Bông giữa thủ đô biến mất - Ảnh 1.

Khu vực Đầm Bông nhìn từ trên cao

Những hình ảnh được ứng dụng Google Earth (chương trình hiển thị bản đồ trái đất qua chụp ảnh vệ tinh) ghi lại cho thấy Đầm Bông đầu những năm 2000 là khu vực hoang sơ, toàn diện tích mặt nước, xung quanh chỉ lác đác vài ngôi nhà. Từ năm 2010 đến năm 2020, xung quanh đầm nhà cửa đã san sát. Phần lớn Đầm Bông bị "đè xuống" bằng nhiều công trình kiên cố.

Đến giữa năm 2020, Đầm Bông dù chỉ còn lại rất ít diện tích mặt nước nhưng tiếp tục bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đáng chú ý, từ giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất gần như tăng tốc, hàng ngàn m2 mặt nước bị san lấp với tốc độ nhanh đến ngỡ ngàng.

Trong vai người cần thuê nhà kho để hàng, chúng tôi đi một vòng quanh khu vực Đầm Bông thì cảm nhận rất dễ dàng để có thể thuê, thậm chí mua bán đất. Dò la kỹ hơn thì thấy hầu hết toàn bộ khu vực này đều đã được phân lô để bán hoặc cho thuê. Có những lô đất rộng hàng ngàn m2, nhỏ cũng vài trăm m2.

3,5 ha đất Đầm Bông giữa thủ đô biến mất - Ảnh 2.

Những công trình, nhà xưởng thế này đang bao vây, bóp nghẹt Đầm Bông

Đi vào khu vực sâu bên trong còn có những ngôi nhà kiên cố, đánh số rõ ràng. Ngoài ra, nhiều nhà xưởng, nhà kho ở khu vực này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.

Một người dân ngao ngán xác nhận khu vực Đầm Bông giờ chỉ còn diện tích rất nhỏ là trống, diện tích đầm về cơ bản đã bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm, xây dựng. Nhiều nhà kho, nhà xưởng kiên cố, thậm chí nhà, biệt thự… đã mọc lên bề thế, khang trang nhanh "như được thần đèn tiếp tay".

Với khoảng trống chừng hơn 1.000 m2 nhưng xung quanh cũng bị đổ đầy vật liệu xây dựng, Đầm Bông được nhận xét không còn tương xứng với cái tên đẹp đẽ.

3,5 ha đất Đầm Bông giữa thủ đô biến mất - Ảnh 3.

Nhiều người dân khi được hỏi đã luyến tiếc khung cảnh Đầm Bông năm xưa

COVID-19 cản trở thống kê?

Ông N.V.T (một người dân gốc ở phường Định Công, gia đình được chia đất ở Đầm Bông) cho biết Đầm Bông trước đây rất rộng, mênh mông nước. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất Đầm Bông diễn ra đã từ lâu, song từ năm 2013 đến nay thì phổ biến, thời gian qua lại càng sôi động.

"Nhiều người mua bán hoặc thuê đất nhưng sau đó xây dựng công khai, nhiều nhà kho, xưởng mọc lên và hoạt động tấp nập nhiều năm nay. Gia đình tôi có vài trăm m2 đất nông nghiệp được giao ở Đầm Bông nhưng bây giờ chẳng biết đất nhà mình nằm ở vị trí nào, cũng không biết liệu đã bị lấn chiếm hay chưa vì bây giờ Đầm Bông đâu còn là đầm nữa. Khu vực này đang rất phức tạp" - ông T. nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Thanh tra Sở TN-MT TP Hà Nội chỉ rõ cả ngàn công trình vi phạm trên đất nông nghiệp ở phường Định Công, năm 2020, UBND quận Hoàng Mai ban hành kế hoạch, trong đó yêu cầu UBND phường Định Công rà soát, thống kê toàn bộ công trình vi phạm tại Đầm Bông. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12-2022, UBND phường Định Công mới chỉ rà soát, thống kê được 80 công trình vi phạm. Số trường hợp vi phạm còn lại vẫn "coi như không có gì xảy ra".

3,5 ha đất Đầm Bông giữa thủ đô biến mất - Ảnh 4.

Cận cảnh một mảng đầm bị san lấp Ảnh: HỮU HƯNG

Lãnh đạo UBND cũng như cán bộ địa chính phường Định Công, cho rằng việc chưa thống kê hết các công trình vi phạm là do thời gian qua tình hình dịch COVID-19 phức tạp và "đây là địa bàn phức tạp, cứ khi có cán bộ phường đến kiểm tra, đo đạc là người dân lại tìm cách né tránh, một số trường hợp còn chống đối".

Lãnh đạo phường này cũng chưa đưa ra thời hạn cụ thể trong việc rà soát, thống kê hết các công trình vi phạm tại Đầm Bông.

Mới đây, khi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết ông đang ở khu đô thị Định Công (chỉ cách khu vực Đầm Bông vài trăm mét - PV). Ông Đinh Tiến Dũng nhận xét trên địa bàn này đang tồn tại một số vấn đề dân sinh gây bức xúc.

“Do thời trước để lại”, “do người dân lấn chiếm đã lâu”, “đây là địa bàn phức tạp” hay “cán bộ, lãnh đạo phường hiện nay toàn người mới”... là những lý do mà lãnh đạo UBND phường Định Công đưa ra để giải thích cho việc nhiều hecta đất Đầm Bông ngày càng bị thu hẹp, lấn chiếm.

Từng có nhiều cán bộ "xộ khám"

Trước đó, năm 2010, sau khi thanh tra và công an vào cuộc, nhiều cán bộ, trong đó có cả lãnh đạo ở phường Định Công và các phòng - ban liên quan của quận Hoàng Mai bị xử lý kỷ luật, nhiều người bị xem xét trách nhiệm hình sự. TAND quận Hoàng Mai đã tuyên phạt tù 5 cán bộ của phường Định Công và quận Hoàng Mai vì sai phạm trong việc cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trên đất nông nghiệp.

Vừa qua, một cán bộ của Sở Xây dựng TP Hà Nội khi được chúng tôi đề nghị tìm bản đồ quy hoạch khu vực Đầm Bông sau một chút lúng túng đã phải thốt lên đầy ngỡ ngàng: "Nằm trong quy hoạch đất công viên cây xanh nhưng tôi tìm, rà trên Google để xác định quy hoạch mà không thấy Đầm Bông ở đâu. Sao tôi thấy toàn bê-tông, nhà cửa san sát hết thế này. Không còn diện tích mặt nước nữa!".

Không lấp hồ, ao hiện có

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 9 đầu tháng 11-2022 mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp..., đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng những khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn.

Theo đại diện Bộ TN-MT, cơ quan này đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong đó có yêu cầu về thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất. Bộ này cũng tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn cũng như xử lý triệt để các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo