Suốt 3 ngày, từ 20 đến 22-3, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp cận những cánh rừng bị phá nằm trong khuôn viên dự án khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh (gọi tắt là KĐT Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng) của Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh). Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nhiều cây rừng bị đốt cháy hoặc bị khoan lỗ đổ hóa chất.
Khung cảnh tàn tạ
Riêng trong ngày 22-3, đi cùng chúng tôi còn có cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Bên trong dự án, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những khoảng núi bị xẻ dọc làm đường, nhiều ngọn đồi bị cạo trọc gần đến đỉnh. Bên cạnh đó, thay vì cây rừng thì những rẫy cà phê đang bắt đầu lên xanh.
Tại nhiều vị trí, những đám rừng bị cháy còn để lại vết tro than, nhiều cây thông hàng chục năm tuổi bị chặt đến gần nửa thân, đốt cháy nham nhở, có cây chết đứng, có cây đổ gục dưới đất.
Tại tiểu khu 364 thuộc xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, hàng chục cây thông có đường kính thân từ 20 - 40 cm bị khoan lỗ sâu vào thân, bên trong là chất dịch màu trắng đục. Dùng cành cây chọc sâu vào bên trong lỗ khoan thì chất dịch tỏa ra mùi hôi khó chịu, nghi là hóa chất dùng để đầu độc cây rừng.
"Sau khoảng vài ngày, lá héo úa, nhựa thông bắt đầu chảy từ ngọn xuống gốc và cây chết dần trong vòng một tháng. Nếu những vụ này được phát hiện sớm để xử lý thì may ra cây sẽ được cứu" - một cán bộ kiểm lâm nói với chúng tôi.
"Vết thương" vẫn loét
Kết luận Thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13-4-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra dự án KĐT Đại Ninh đã làm mất 257,5 ha rừng cùng 111 ha đất rừng bị lấn chiếm. Tổng số tiền bồi thường tài nguyên rừng, môi trường rừng doanh nghiệp này phải chi trả là 18,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đó chưa phải là con số cuối cùng về tình trạng phá rừng trong dự án này. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ thời điểm ngày 25-8 đến 8-9-2021, lực lượng chức năng huyện Đức Trọng đã phát hiện lâm phần do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý xảy ra nhiều vụ vi phạm liên quan đến đất rừng. Cụ thể, tại xã Tà Hine xảy ra 21 vị trí lấn chiếm đất rừng với diện tích hơn 28.000 m2, tại xã Phú Hội xảy ra 9 vị trí tái lấn chiếm với diện tích hơn 36.000 m2, tại xã Ninh Loan có 1 vụ tái lấn chiếm đất rừng với diện tích 639 m2. Những mất mát này có nguyên nhân Công ty Sài Gòn - Đại Ninh dù đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng gồm 10 người nhưng không thường xuyên tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý.
Đến năm 2022, tại lâm phần dự án KĐT Đại Ninh tiếp tục xảy ra 19 vụ phá rừng với diện tích hơn 12.000 m2, trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 62 m3 gỗ. Còn trong quý I/2023, tại dự án tiếp tục xảy ra 3 vụ phá rừng, làm chết 34 cây thông.
Một mảng rừng bị cháy đen thuộc lâm phần Công ty Sài Gòn - Đại Ninh trên địa bàn xã Tà Hine
Một cây thông hàng chục năm tuổi bị phá bằng cách khoan lỗ vào thân cây và đổ hóa chất
Kết luận, thông báo ngược nhau
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, cho biết ngoài việc bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, môi trường rừng, những doanh nghiệp để xảy ra mất rừng có trách nhiệm phải giải tỏa và trồng rừng thay thế. "Thế nhưng dự án KĐT Đại Ninh cũng như nhiều doanh nghiệp khác cũng rất chậm trong việc khắc phục hậu quả là trồng rừng thay thế" - ông Trung nói.
Theo tìm hiểu, dự án KĐT Đại Ninh của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư năm 2010 với tổng diện tích 3.595 ha, tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng. Dự án trải dài trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và xã Ninh Loan của huyện Đức Trọng với hơn 1.432 ha đất rừng, hơn 2.000 ha đất mặt nước hồ Đại Ninh. Sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn ì ạch.
Ngày 12-6-2020, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 929/KL-TTCP, trong đó yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi, chấm dứt dự án do vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 8-7-2021, cũng chính Thanh tra Chính phủ lại ra Thông báo số 1081/TB-TTCP sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn sử dụng đất, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư dự án. Tuy vậy, đến nay hiện trạng dự án vẫn chưa thấy chuyển biến.
Liên quan đến dự án, vừa qua, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để phục vụ công tác điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Dứt khoát thu hồi
Ngày 21-3-2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tiến độ, kết quả thực hiện các dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý vi phạm nếu có.
"Cương quyết đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, buông lỏng quản lý để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên diện tích được giao, cho thuê" - ông Võ Ngọc Hiệp yêu cầu.
Khởi tố vụ phá rừng ở Khánh Hòa
Chiều 22-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" xảy ra tại khoảnh 8 và 9 thuộc tiểu khu 103 xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa; khoảnh 1 và 4 thuộc tiểu khu 219 xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Đây là bước đầu để cơ quan chức năng củng cố hồ sơ vụ án, khởi tố bị can...
Trước đó, báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, phản ánh tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại những khu vực trên. Theo nhà chức trách, khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là hơn 27 m3 gỗ tròn.
K.Nam
Bình luận (0)