icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dành thời gian cho cha mẹ

Lương Anh

Hãy cố gắng về nhà, ngồi bên cha mẹ dùng bữa cơm, hỏi chuyện để gắn kết tình cảm; đừng để phải ân hận...

Đến bây giờ, chị Ngọc Uyên (28 tuổi, ngụ TP HCM) vẫn còn ám ảnh với giọng thông báo gấp gáp từ người thân ở quê nhà Quảng Ngãi qua điện thoại đêm hôm ấy: "Mẹ mất rồi, em lo sắp xếp về gấp!".

Day dứt khôn nguôi

Đầu óc trống rỗng, trái tim như bị ai bóp chặt, dòng lệ tuôn ra, Uyên cố nói nhưng không thể thốt lên lời nào, chỉ khóc ngấc. Mãi lúc sau, chị mới định thần, tức tốc ra sân bay.

"Mẹ là người lo lắng, động viên tôi đầu tiên trong những lúc thăng trầm. Vậy mà giây phút mẹ lìa xa cuộc đời, tôi lại không kịp ở bên cạnh" - chị Uyên rưng rưng.

Cha mất sớm, nghỉ hè năm đầu học đại học, lần đầu tiên xa nhà, Uyên dự định về quê đỡ đần mẹ. Nhưng rồi bận làm thêm, tham gia những chuyến tình nguyện, đi cho biết đó biết đây, thực tập…, thời gian chị về nhà bên mẹ chẳng bao nhiêu.

Tốt nghiệp đại học, Uyên xin được công việc ở một công ty nước ngoài, lương khá cao nhưng luôn bận rộn và bị áp lực. Có lúc chị quên mình còn một gia đình ở quê nhà.

Uyên nghĩ mua vé máy bay không khó, muốn đi lúc nào cũng được, nhớ mẹ thì gọi điện thoại nói chuyện, nhìn thấy mẹ ngay, biết mẹ khỏe hay ốm đau, vui hay buồn. Vì vậy, chị cố gắng làm việc, hy vọng kiếm thật nhiều tiền để đưa mẹ đi du lịch, lúc rỗi sẽ dành cho mẹ nhiều thời gian hơn.

"Cứ chần chừ đến lúc mẹ không còn nữa, tôi nhớ và thấy nợ mẹ rất nhiều. Tôi cứ nghĩ mình còn trẻ, ngày tháng còn dài nên muốn báo hiếu mẹ lúc nào cũng được. Giây phút tiễn đưa mẹ, biết vĩnh viễn mất mẹ, lòng tôi trĩu nặng vì hối hận, xót xa…" - chị Uyên ân hận.

Khi có 2 con, anh Quốc Minh (37 tuổi, ngụ TP HCM) càng thấm thía, ăn năn khi chưa kịp báo hiếu thì cha qua đời. Cũng giống chị Uyên, anh Minh đi học xa nhà, ra trường thì lao ngay vào công việc để khẳng định bản thân, đặt mục tiêu mua nhà, mua xe lúc mình còn trẻ.

"Nhà ba mẹ cách thành phố khoảng 200 km nhưng tôi không mấy khi về. Một năm tôi về quê 2 - 3 lần nhưng ngắn ngày, đi thăm người này, người kia, chẳng mấy khi ngồi ăn cơm cùng ba mẹ. 

Trong thâm tâm, tôi nghĩ ba mẹ vẫn ở đó, đợi lúc nào công việc mình ổn định thì đưa ba mẹ đi du lịch để biết nhiều thứ cũng không muộn. Đến lúc ba gần mất do ung thư giai đoạn cuối, những dự định trong đầu tôi tan biến. Nhìn ba gầy đi, đau đớn tôi mới thấy mình bất hiếu" - anh Minh day dứt.

Trong khi đó, còn trẻ nhưng chị Vân Nhi (26 tuổi) luôn giữ nguyên tắc dù bận việc gì thì vẫn phải ăn cơm với cha mẹ ít nhất một lần trong ngày. Nếu buổi tối phải về muộn để giải quyết xong công việc thì chị tranh thủ giờ nghỉ trưa về nhà ăn cơm.

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Ban đầu, đồng nghiệp, bạn bè ngạc nhiên nhưng rồi nghe Nhi kể về bữa cơm gia đình, nhiều người xuýt xoa ngưỡng mộ. Chị cho biết ngồi ăn cùng nhau là khoảng thời gian cả nhà hỏi thăm, chia sẻ những vui buồn trong công việc hoặc kể những gì thấy trên đường, những bài báo tình cờ đọc hoặc bàn luận tin tức trên tivi.

"Ba mẹ tôi còn đi làm, cũng bận rộn nhưng vẫn giữ nền nếp ăn cơm nhà. Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc vì được làm con của ba mẹ. May mắn hơn nữa là hiện tôi vẫn được ở bên ba mẹ, nơi làm việc cũng không xa. 

Tôi không muốn bỏ lỡ khoảng thời gian hạnh phúc này vì ba mẹ rồi sẽ già, tôi rồi sẽ lập gia đình, bận rộn với con nhỏ, có thể dù muốn cũng khó dành toàn bộ thời gian cho ba mẹ…" - chị Nhi bày tỏ.

Đừng để quá muộn!

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, nhìn nhận trong thực tế, không ít người đã ân hận vì không dành thời gian, không kịp báo hiếu cha mẹ do bận rộn với công việc cá nhân. 

Họ cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng, thậm chí hối hận đến mức tự cô lập bản thân khi cha mẹ đột ngột mất đi.

"Lúc cha mẹ còn sống, chúng ta cứ chần chừ, chờ có dịp, có thời gian sẽ về chăm sóc... Hãy nhớ mẹ già như chuối chín cây. Thay vì để phải hối hận, giày vò bản thân vì chưa kịp báo hiếu thì hiện tại, hãy sống tốt, bắt đầu bằng những điều bình dị. 

Hãy thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện, tặng những món quà nhỏ, ngồi bên cạnh dùng bữa cơm, hỏi này hỏi kia… để cha mẹ thấy được con cái yêu thương, quan tâm. 

Nếu quá bận rộn, mỗi ngày nên gọi điện thoại nói chuyện. Nếu có khúc mắc, hiểu lầm với cha mẹ thì nên tìm cách tháo gỡ, thời điểm đúng nhất luôn là ngay lúc này" - bà Phương Trang nhìn nhận.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An (TP HCM) cũng cho rằng nhiều người hay hiểu báo hiếu là phải kiếm thật nhiều tiền cho cha mẹ nhưng thật ra không phải vậy, cũng không hẳn là làm điều gì to tát. 

Trò chuyện nhiều, nói lời yêu thương, quây quần trong bữa cơm, điện thoại hỏi thăm sức khỏe, quan tâm khi đau ốm, lắng nghe, thấu hiểu cha mẹ… đã là những hành động báo hiếu.

"Người già không cần gì nhiều ngoài việc được quan tâm. Cuộc sống hiện đại vội vã, nhiều áp lực nhưng nếu có tấm lòng hướng về cha mẹ thì chúng ta sẽ biết sắp xếp thời gian, công việc để có thể ở bên người thân" - ông Nguyễn Hải An nhấn mạnh. 

Hãy nhớ rằng tài sản quý giá nhất của cha mẹ không gì khác là các con.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo