Phiên xử tranh chấp quyền nuôi con hôm đó của TAND Cấp cao tại TP HCM vắng mặt nguyên đơn - người vợ. Người đàn ông chừng 30 tuổi dẫn theo một bé trai, sau khi xin cho con vào phòng xử án không được đã nhờ bảo vệ tòa án trông chừng giúp vì phiên xử sắp bắt đầu.
Sợ mất con...
Trong phiên tòa hôm ấy, người chồng kháng cáo về phán quyết giao con cho mẹ cháu bé. Vợ chồng anh sống chung 7 năm nhưng không đăng ký kết hôn. Thời điểm về sống chung, người vợ hơn chồng 13 tuổi - anh chưa đủ tuổi kết hôn. Sau khi sinh con, vợ chồng anh gửi về cho bà nội ở quê nuôi dưỡng đến năm 2 tuổi thì đưa lên TP HCM sống cùng cha mẹ.
Chị mở tiệm làm móng, anh làm thợ xăm. Cuộc sống tạm ổn cho đến tháng 11-2014, người vợ bất ngờ thông báo đã đăng ký kết hôn với người đàn ông khác và chuẩn bị xuất cảnh đi Pháp! Anh ôm con trai nhỏ về quê từ đó.
Tòa hỏi anh có gặp khó khăn về tài chính không. Anh đáp: Không! Thu nhập trung bình mỗi tháng của anh đủ để lo cho cả hai cha con và người mẹ già ở quê. "Vậy sao anh không cho con đi học, cháu đã 7 tuổi?" - chủ tọa hỏi. Người cha lúng túng: "Tôi sợ... mất con!".
Minh họa: KHỀU
Anh kể khi con trai bắt đầu vào lớp 1, người vợ về Việt Nam tìm đến trường mà con trai họ đang theo học để đóng hết học phí. Sau đó, anh biết được chị nhiều lần đến trường thăm con. "Tôi sợ mẹ cháu sẽ đem cháu đi nên không dám cho con đi học nữa. Hiện tôi có một tiệm xăm nghệ thuật và vẽ áo dài, thu nhập mỗi tháng hơn 25 triệu đồng. Nếu được nuôi con, tôi sẽ cho cháu đi học trở lại, kể cả cho cháu gặp mẹ, không ngăn cản nữa" - người cha tha thiết.
Vị chủ tọa cho rằng từ năm 2014 đến thời điểm đưa vụ tranh chấp quyền nuôi con ra xét xử, người mẹ nhiều lần về quê thăm con nhưng anh cố tình né tránh, không tạo điều kiện cho mẹ gặp con. Điều này đã được anh xác nhận tại biên bản phiên tòa sơ thẩm.
"Mặc dù chị C. (người mẹ) không trực tiếp nuôi con nhưng đã gửi gần 127 triệu đồng cho anh nuôi dưỡng con; còn trực tiếp đến trường nộp 5 kỳ học phí, số tiền hơn 8,8 triệu đồng. Sau đó, anh đã đến trường rút hồ sơ đi học và nhà trường đã trả lại học phí. Từ đó đến nay, anh không cho con đi học nữa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được học tập của cháu" - chủ tọa phân tích.
HĐXX còn cho rằng người mẹ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với con. Việc người cha nuôi con nhưng không cho đi học và cố tình ngăn cản việc thăm nuôi của người mẹ là vi phạm pháp luật. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cháu phát triển toàn diện, tòa sơ thẩm đã giao cho mẹ nuôi dưỡng là có cơ sở, đúng pháp luật.
Anh liêu xiêu bước ra. Vừa thấy cha từ xa, đứa bé lao đến ôm chặt. "Tôi có lỗi khi không cho con đi học do sợ mất con. Mẹ cháu sắp sinh em bé với chồng sau. Tôi nghĩ mà thương con quá!" - người cha nói rồi lững thững dắt tay con ra về.
Không biết nghiêng về phía nào
Ở sân tòa, M.D (SN 2005) vừa khóc vừa tâm sự: "Em không biết nghiêng về phía nào cho phải. Em thương mẹ lắm nhưng cũng thương ba dù từ nhỏ ít được gặp...".
Đây là lần thứ 2, cha mẹ M.D ra tòa ly hôn.
Theo lời M.D, gia đình khá đầm ấm cho đến khi mẹ em phát hiện chồng ngoại tình với người phụ nữ cùng quê, sinh ra một bé gái.
"Từ khi ngoại tình, ba thường xuyên về nhà gây sự, đánh mẹ, cũng không lo lắng gì cho tụi em nữa. Các anh chị kể cho em nghe, lúc em 1 tuổi, ba đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà. Mẹ nhờ chính quyền địa phương hòa giải, ba mới cho mấy mẹ con về ở. Sau đó, ba vẫn thường đánh đập, đuổi mấy mẹ con đi. Đỉnh điểm là lần ba đập phá căn nhà đang ở, mẹ phải dắt díu 4 anh chị em em về nhà ngoại. Ba mẹ sống ly thân từ đó đến nay. Giờ ba khởi kiện về việc nuôi con chung và chia tài sản" - M.D sụt sùi kể.
Trước tòa, người chồng trình bày khoảng năm 1996, gia đình ông (lúc này có 5 nhân khẩu) được hợp tác xã cấp 763 m2 đất trồng cây. Năm 2006, vợ chồng ông xây nhà trên đất này. Sau khi xây xong chân kiềng bằng đá chẻ, vợ chồng mâu thuẫn nên không xây nữa mà dựng nhà tạm để ở. Sau đó, cả 2 sống ly thân, ngôi nhà dang dở đến nay. Bây giờ, con trai thứ 2 cần đất xây nhà nên ông muốn lấy lại đất.
"Tôi đến kiểm tra thửa đất mới biết vợ cũ đã bán cho anh trai bà ấy. Bán được bao nhiêu tôi không biết. Bây giờ, tôi muốn tòa hủy hợp đồng mua bán này, chia đất theo 5 nhân khẩu, phần của tôi sẽ cho con trai thứ 2 sử dụng. Tài sản gắn liền với đất còn 1 chân kiềng xây đá chẻ, tôi và vợ cũ xây lúc còn sống chung. Tôi xác định giá trị chân kiềng này 4 triệu đồng. Nếu tòa đồng ý chia đất, nửa chân kiềng này tôi cho con trai thứ 2 xây nhà" - người cha nêu ý kiến.
Về con gái út M.D, do chưa đủ 18 tuổi, nếu vợ cũ tiếp tục nuôi con, ông sẽ cấp dưỡng 1,5 triệu đồng/tháng đến khi đủ 18 tuổi.
Từ đầu phiên xét xử, người vợ không nói gì, chỉ khóc. Người cha già là đại diện ủy quyền của bị đơn xin tòa bác yêu cầu của nguyên đơn. Ông cụ trình bày: "Sau khi vợ chồng nó sống ly thân, một mình con gái tôi đi làm mướn nuôi con. Để có tiền cho con ăn học, nó đã bán 763 m2 đất hợp tác xã cấp cho anh trai nó lấy 25 triệu đồng. Bây giờ mấy mẹ con không có nhà ở, vẫn đang sống chung với vợ chồng tôi. Giờ tòa xử trả đất thì mẹ con nó biết làm sao?".
Bình luận (0)