Dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc dự án khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7, TP HCM), được động thổ cách đây 2 năm. MR1 sau khi hoàn thành sẽ cung cấp hơn 700 căn hộ đầy đủ tiện ích cho người lao động có thu nhập trung bình.
Nhiều dự án "ngủ quên"
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM thì dự án MR1 vẫn chưa thi công. Ghi nhận thực tế cho thấy khu đất dự án này được cho thuê để bán vật liệu xây dựng, làm bãi giữ xe; không có dấu hiệu của công trình sắp triển khai.
Cùng cảnh ngộ là dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP Thủ Đức khởi công cách đây hơn 2 năm, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp gần 600 căn hộ. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, dự án này thuộc diện đang thi công.
Thế nhưng, cuối tháng 8 vừa qua, phóng viên tới nơi chỉ thấy khu đất dự án được dựng rào tôn bịt kín, 2 cổng chính khóa im ỉm. Bên trong cỏ dại mọc um tùm, những vũng nước lớn bao quanh hàng chục cọc bê-tông và không có bóng người hay máy móc.
Tương tự, cách đó khoảng 3 km, dự án chung cư D.E (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) được đầu tư theo tinh thần nhà ở xã hội thế hệ mới với thiết kế Singapore. Dự án được động thổ cách đây 2 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là vạt đất trống. Cơ quan chức năng báo cáo dự án này chưa thi công.
Tình cảnh không khá hơn là dự án nhà lưu trú công nhân tại KCX Linh Trung II giai đoạn 2. Dự án tọa lạc trên khu đất hơn 5.000 m2, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng với quy mô 360 căn hộ, cho thuê với giá hợp lý, đáp ứng chỗ ở của hơn 1.000 công nhân. Dù vậy, vì nhiều khó khăn nên gần 2 năm nay, hiện trạng dang dở là hình ảnh ai qua đây cũng thấy...
Theo Sở Xây dựng TP HCM, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 24,7 ha, diện tích sàn xây dựng 1,23 triệu m2, quy mô 14.954 căn hộ.
Căn cứ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển 26.200 đến 35.000 căn.
Còn thực tế, từ năm 2021 đến nay, TP HCM đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ… Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc hoàn thành các mục tiêu là khó khăn nếu thiếu những động thái tác động rõ ràng, trực tiếp và hợp lý.
Tín hiệu mới
Cuối tháng 8 vừa qua, tại huyện Bình Chánh, TP HCM đã diễn ra lễ động thổ dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên sau hơn 4 năm hoàn thiện pháp lý.
Dự án gồm 4 block chung cư cao 18 tầng và 2 block thương mại dịch vụ, sẽ cung cấp 1.445 căn hộ từ 45-50 m2 phục vụ người thu nhập thấp, phù hợp với gia đình nhỏ. Theo chủ đầu tư, căn hộ được cho thuê 49 năm, dự kiến dự án sẽ hoàn thành và bàn giao cho cư dân vào năm 2026. Chủ đầu tư chưa nêu giá cụ thể bởi còn tùy thuộc vào các chi phí đầu vào. Tuy nhiên, giá căn hộ được tính toán phù hợp bởi lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội không quá 10% tổng chi phí.
Đây là tín hiệu tích cực cho các dự án nhà ở xã hội khi những quy định pháp luật mới có hiệu lực, như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhận xét trong bối cảnh nhà ở xã hội còn ít thì nhiều chủ đầu tư đã kiên trì để dự án được triển khai, qua đó mang cơ hội an cư cho người thu nhập thấp. Ông Bùi Xuân Cường cho hay cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để các dự án khác của doanh nghiệp sớm khởi công.
Theo ông Bùi Xuân Cường, TP HCM đang tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng như đầu tư thêm những dự án mới.
Linh hoạt giải pháp
Báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường.
Một trong số này là phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại. Qua đó, TP HCM sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.
Một tín hiệu tích cực nữa, ông Bùi Xuân Cường thông tin UBND thành phố đang điều chỉnh quy hoạch TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nên sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch. Trong đó có quy hoạch về phát triển nhà ở, tạo được những điều kiện mới, thu hút nhà đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bên cạnh việc hoàn tất những thủ tục pháp lý, quy định về phát triển nhà ở xã hội, từ nay đến dịp lễ 30-4 năm sau, TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để có thể khởi công, động thổ thêm 5-6 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 6.000 căn hộ.
Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh trong quá trình phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, tạo được không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, thu hút nhiều lao động đến thành phố.
Bình luận (0)