Chủ tịch UBND TP Phú Quốc vừa ký tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang xin chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác với kinh phí 300 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Tờ trình nêu việc xử lý rác ở Phú Quốc đang là vấn đề cấp thiết. Tình trạng rác thải sinh hoạt quá tải đã gây bức xúc cho người dân và du khách, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của "đảo ngọc".
Ám ảnh ở "thiên đường du lịch"
Hiện nay, mỗi ngày Phú Quốc thải ra khoảng 200 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, 80% lượng rác được thu gom, tập kết về bãi tạm Đồng Cây Sao ở xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. Số còn lại là lượng rác trôi nổi, không được kiểm soát.
Ngay cả lượng rác được tập kết về Đồng Cây Sao vẫn chưa có phương án xử lý, tiêu hủy. Ngày qua ngày, rác tích tụ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống, đe dọa khả năng phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Hàng chục năm qua, chính quyền địa phương luôn đau đầu tìm giải pháp toàn diện để giải quyết vấn đề này.
Năm 2017, chính quyền địa phương phải xóa sổ 2 bãi rác tập trung trên đảo vì ô nhiễm nặng. Nhà máy xử lý rác duy nhất cũng phải đóng cửa theo vì quá tải và lạc hậu. Phú Quốc chỉ còn lại duy nhất nơi tập kết rác là bãi tạm Đồng Cây Sao.
Sau 7 năm, bãi rác này đã chất cao như dãy núi, kéo dài khoảng 1 km. Nó trở thành nỗi ám ảnh của người dân xung quanh và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường chung của hòn đảo được mệnh danh là "thiên đường du lịch".
Bà Nguyễn Thị Bé Năm, một trong những cư dân sống gần Đồng Cây Sao, đang rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác. "Mùi hôi xộc thẳng vào nhà quanh năm. Chúng tôi phải chịu đựng vì không có chỗ nào để đi. Nhà chúng tôi luôn phải đóng cửa để hạn chế ruồi nhặng xâm nhập" - bà than phiền.
Mùi hôi từ bãi rác Đồng Cây Sao còn lan xa cả một vùng, nhất là vào lúc nắng nóng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh du lịch của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là các đơn vị trong lĩnh vực khách sạn, resort, nhà hàng… ở xã Cửa Dương.
Bà Ngọc - chủ một resort ở bãi biển Ông Lang, xã Cửa Dương - ngao ngán. "Tuy resort ở khá xa bãi rác nhưng mùi hôi theo hướng gió bủa vây cả khu vực. Những ngày gió mùa thổi mạnh, hầu như chúng tôi phải dừng kinh doanh vì không có khách. Dù chúng tôi đã thuê dịch vụ loại bỏ mùi hôi nhưng du khách cũng không muốn ở lại vì mùi hôi vẫn dai dẳng và khó chịu".
Mọi nỗ lực của Ban Quản lý Công trình công cộng TP Phú Quốc nhằm giải quyết "khủng hoảng" bãi rác Đồng Cây Sao, bao gồm việc phun hóa chất để giảm mùi hôi và hạn chế nước rỉ rác chảy ra sông, đều chỉ là giải pháp tình thế.
Không tìm được nhà đầu tư
Cuối năm 2022, một DN thử nghiệm xây dựng nhà máy đốt rác ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc. Thế nhưng, UBND tỉnh Kiên Giang phải thu hồi dự án chỉ sau vài ngày hoạt động vì càng xử lý càng ô nhiễm nặng nề hơn.
Tiếp đến, năm 2023, một hợp đồng trị giá 55 tỉ đồng đã được trao cho Công ty CP Công nghệ và Vật liệu chuyên dụng LICOGI 13 để quản lý chất thải tại bãi rác tạm Đồng Cây Sao. Tuy nhiên, phương pháp xử lý chất thải của DN này vẫn là đốt cháy theo cách truyền thống, thiếu giải pháp công nghệ tiên tiến. Bãi rác tạm vì thế vẫn cứ phình to qua từng ngày.
Thực tế, rất nhiều DN đã "xếp hàng" xin đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại ở Phú Quốc. Thế nhưng, sau khi nghiên cứu tính khả thi và sinh lợi, hầu như nhà đầu tư nào cũng chạy dài. Nguyên nhân chính là do khung giá xử lý rác ở Phú Quốc vẫn phải áp dụng giá chung cả nước như trong đất liền.
"Đặc thù của Phú Quốc khác xa đất liền, từ giá đầu tư xây dựng, giá nhân công đến chi phí vận hành… đều cao hơn. Trong khi đó, giá xử lý rác mà nhà nước trả cho DN vẫn bằng với giá trong đất liền, bởi không thể trả ngoài khung giá quy định của Bộ Tài chính. Đó là vấn đề khúc mắc khiến DN chưa thể đầu tư nhà máy xử lý rác ở Phú Quốc được"- một nhà đầu tư giải thích.
Không tìm được nhà đầu tư nên ngày 2-4 vừa qua, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, phải ký tờ trình gởi UBND tỉnh kiến nghị xem xét, cho phép đầu tư một nhà máy xử lý rác công suất 300 tấn/ngày. Theo đề xuất của lãnh đạo TP Phú Quốc, nhà máy này dự kiến rộng 10-14 ha; địa điểm tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh; sử dụng công nghệ đốt kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 300 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hạ tầng xung quanh. Nguồn vốn 100% bằng ngân sách của tỉnh, kiến nghị giao UBND TP Phú Quốc triển khai đầu tư công theo quy định. Sau khi dự án hoàn thành, địa phương sẽ tổ chức đấu thầu khai thác hoặc giao cho Ban Quản lý Công trình đô thị Phú Quốc vận hành.
Xử phạt mạnh tay
Cuối năm 2023, UBND TP Phú Quốc đã lắp đặt hệ thống camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và triển khai mô hình sân nổi thu gom rác thải cho các tàu, thuyền trên địa bàn; đồng thời đề ra chế tài xử phạt cụ thể từng hành vi ứng xử với rác thải.
Theo đó, người bỏ rác không đúng nơi quy định nếu phát hiện sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 2 triệu đồng/lần; hành vi chôn lấp chất thải rắn trái phép sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 1 tỉ đồng, tùy trường hợp.
Bình luận (0)