icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đáp án cho bài toán chống ngập ở TP Thủ Đức

LÊ VĨNH thực hiện

Cải tạo rạch Thủ Đức được xem là mấu chốt trong việc chống ngập của đô thị phía Đông TP HCM

Chiều 31-5, khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM) và nhiều tuyến đường lân cận tiếp tục ngập sâu trong nước sau trận mưa lớn. Đây là lần ngập thứ 3 trong tháng của TP Thủ Đức, sau 2 cơn mưa ngày 15 và 20-5.

Rạch Thủ Đức cần sự đầu tư tương xứng Ảnh: LÊ VĨNH

Rạch Thủ Đức cần sự đầu tư tương xứng Ảnh: LÊ VĨNH

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề xử lý ngập cho TP Thủ Đức trông chờ rất lớn vào việc cải tạo rạch Thủ Đức. Đây được xem là giải pháp then chốt, bởi nếu không thực hiện thì các giải pháp khác không phát huy hết tác dụng.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức, xoay quanh nội dung này.

.Phóng viên: Ông có thể cho biết một vài đặc điểm của rạch Thủ Đức?

Đáp án cho bài toán chống ngập ở TP Thủ Đức- Ảnh 2.

Ông Lưu Văn Tấn

- Ông LƯU VĂN TẤN: Khu vực lưu vực rạch Thủ Đức thuộc vùng chuyển tiếp từ vùng gò đồi Đông Bắc giáp ranh tỉnh Bình Dương về hướng Tây Nam ven sông Sài Gòn, cao độ địa hình biến thiên từ +30 m xuống +0,5 m. Địa hình thấp nằm ở phía khu vực ven sông Sài Gòn.

Lưu vực thoát nước rạch Thủ Đức có diện tích khoảng 675 ha, bao gồm các tiểu lưu vực như: lưu vực 2 bên rạch Thủ Đức, lưu vực dọc đường ray xe lửa, lưu vực đường Võ Văn Ngân, lưu vực khu chợ Thủ Đức, lưu vực Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu 2, lưu vực rạch Nhà Trà.

Với lưu vực thoát nước khá lớn, độ chênh cao gần 30 m nên khi xảy ra các trận mưa lớn thì lượng nước đổ về hạ lưu rất nhanh. Trong khi đó, hệ thống thoát nước không được bảo đảm cho toàn lưu vực.

.Thực trạng thoát nước ở đây đang gặp vấn đề gì?

- Rạch Thủ Đức đoạn qua cầu Ngang có diện tích mặt cắt ướt (diện tích của mặt cắt vuông góc với tất cả đường dòng chảy) nhỏ, tạo thành nút thắt cổ chai, làm hạn chế khả năng tiêu thoát nước cho khu vực, đặc biệt là khu vực giao nhau giữa đường Tô Ngọc Vân với Phạm Văn Đồng, đường Dương Văn Cam và khu vực chợ Thủ Đức.

Hiện nay, trên phạm vi lưu vực rạch Thủ Đức có một số dự án thoát nước. Cụ thể, dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa; dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam - Đặng Thị Rành - Kha Vạn Cân - Hồ Văn Tư); dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; dự án xây dựng mới cống Cầu Ngang...

Các dự án trên chỉ giải quyết thoát nước trong phạm vi cục bộ của từng khu vực dự án. Trong khi đó, vấn đề rất quan trọng là làm sao tiêu thoát nước nhanh nhất ra sông Sài Gòn thì đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do rạch Thủ Đức bị lấn chiếm, bồi lắng, ô nhiễm, rất nhiều cỏ, rác gây hạn chế khả năng tiêu thoát nước.

.Việc cải tạo rạch Thủ Đức có vai trò quan trọng như thế nào?

- TP Thủ Đức nói riêng, các khu vực phía Đông TP HCM nói chung có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật của các khu vực này chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Để giải quyết thoát nước căn cơ cho khu vực, cần thực hiện nạo vét, cải tạo, gia cố toàn bộ rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm tại vị trí cống kiểm soát triều giáp sông Sài Gòn. Việc này nhằm bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh cho khu vực hạ lưu, vừa đóng vai trò hồ điều tiết cho khu vực.

Khi việc nạo vét, cải tạo rạch Thủ Đức hoàn thành sẽ giúp đồng bộ cũng như phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa.

.Những bước cụ thể ra sao, thưa ông?

- Mục tiêu cụ thể của việc đầu tư nạo vét, cải tạo rạch Thủ Đức là nhằm giải tỏa nút thắt, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh, giải quyết tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu giao thông, chỉnh trang đô thị khu vực xung quanh.

Theo đó, cần xây dựng kè bê-tông dự ứng lực dài 3.000 m (gồm rạch Thủ Đức dài 2.350 m và rạch Nhà Trà dài 650 m); nạo vét khơi thông, tăng khả năng lưu trữ, tiêu thoát, điều tiết nước của rạch Thủ Đức. Ngoài ra, xây dựng trạm bơm 84.000 m3/giờ; xây dựng đường giao thông chạy dọc rạch Thủ Đức với các đoạn có trong quy hoạch.

"Ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn còn 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập. 3 khu vực tập trung nhiều điểm ngập cần giải quyết ngay: phường Thảo Điền, phường Hiệp Phú - Tăng Nhơn Phú A và phường Linh Tây - Trường Thọ.

Việc đầu tư cải tạo, kết hợp chỉnh trang đô thị rạch Thủ Đức được kỳ vọng mang lại sự thay đổi tích cực, giống như TP HCM đã đầu tư cải tạo các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm và đang làm với Tham Lương - Bến Cát… Qua đó, góp phần từng bước để TP Thủ Đức đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP HCM và quốc gia.

Công tác đầu tư, cải tạo cũng hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng bảo đảm chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TP HCM. 

Có cách giải quyết dứt điểm

TS Ngô Châu Phương, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhận xét rạch Thủ Đức bị ảnh hưởng bởi cây cối và tình trạng lấn chiếm. Điều này làm mất chỗ thoát nước và góp phần dẫn đến tình trạng ngập như lâu nay. Những kênh, rạch nhỏ hơn nằm xung quanh rơi vào tình trạng tương tự.

Nhiều nơi ở TP Thủ Đức ngập sâu sau trận mưa chiều 20-5  Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều nơi ở TP Thủ Đức ngập sâu sau trận mưa chiều 20-5 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc cần làm là tăng thêm kích thước của các kênh rạch trên, nhất là rạch Thủ Đức. Đồng thời, kiên cố hóa để biến các kênh, rạch đó thành nơi chứa nước tạm trước khi thoát ra các kênh, rạch và sông lớn.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đánh giá việc cải tạo rạch Thủ Đức gần như là dự án mấu chốt để có thể giảm ngập khu vực chợ Thủ Đức. UBND TP Thủ Đức dự kiến cần hơn 4.000 tỉ đồng để triển khai việc này. UBND TP Thủ Đức đề xuất TP HCM đầu tư cho dự án trong giai đoạn 2026-2030 nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước trên địa bàn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo