TP HCM chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các địa phương đã đối chiếu quy định hiện hành để ban hành giá và xuất hiện tình trạng khác nhau.
Người dân so bì
Chị Lê Ngọc Hương (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho hay từ năm 2023 hằng tháng đóng trung bình 70.000 đồng tiền thu gom, vận chuyển rác cho 2 địa chỉ là đơn vị thu gom và tổ trưởng dân phố. Sang năm 2024, số tiền tăng lên 76.000 đồng. Trong đó, đóng luôn 26.000 đồng tiền vận chuyển cho đơn vị thu gom mỗi tháng (đóng 6 tháng 1 lần).
Dù đóng thêm tiền nhưng theo nữ chủ nhà, dịch vụ vẫn chưa làm chị hài lòng khi không ít lần rác tồn đọng 2-3 ngày, bốc mùi hôi thối.
Trong khi đó, tại quận Bình Tân, bà Nguyễn Thị Tánh kể gia đình bà mỗi tháng đóng tiền thu gom, vận chuyển rác đến 88.000 đồng. Dù lượng rác thải ra không nhiều vì cả 3 người trong gia đình đều đi làm từ sáng tới chiều, ít nấu nướng nhưng mức đóng lại ngang với gia đình hàng xóm 10 người, nấu ăn ngày 2 bữa.
Việc thu 1 giá rác như trên bà Tánh cho rằng thiếu công bằng, không khuyến khích người dân hạn chế xả thải ra môi trường và tái chế rác. "Theo tôi, thành phố nên hướng dẫn địa phương ban hành đơn giá thu gom rác dựa trên số lượng rác hộ gia đình phát thải, hướng tới người dân hạn chế xả thải ra môi trường" - bà Tánh ý kiến.
Đơn vị thu gom than
Thực tế hiện nay, giá thu gom, vận chuyển rác được các địa phương thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến việc người dân so bì, bức xúc. Không chỉ họ muốn thay đổi mà nhiều HTX thu gom rác dân lập cũng mong muốn thành phố có chuẩn mới cho phù hợp thực tế.
HTX Môi trường Bình Tân là đơn vị thu gom rác trên địa bàn quận Bình Tân, ông Triệu Kim Bằng, Giám đốc HTX, cho biết hiện mỗi hộ dân đóng tiền rác là 88.000 đồng/tháng gồm 42.000 đồng phí vận chuyển, còn lại là tiền thu gom.
Con số này thấp hơn nhiều so với nơi khác như quận 3, quận 10... và ảnh hưởng đến thu nhập của người thu gom. Chưa kể trên địa bàn quận còn khoảng 1.000 hộ dân không hợp đồng thu gom rác mà tự ý mang rác ra ngoài xử lý, có hộ khi được hỏi thì nói lý do nhà xả rác nhiều cũng đóng bằng nhà xả rác ít là không công bằng...
Theo nhiều nhân viên thu gom, từ việc lọc lại rác mà người dân chưa phân loại, họ được coi là "kiêm" luôn công việc nhặt ve chai. Số tiền từ việc bán ve chai này đôi khi chiếm đến 40%-50% thu nhập...
Ông Phạm Văn Khanh, Tổng Giám đốc HTX Môi trường Đồng Tâm, phân tích giá thu gom, vận chuyển rác hiện nay đang áp dụng căn cứ theo quyết định mà thành phố ban hành cách đây đã lâu và không còn phù hợp tình hình thực tế vì trượt giá nhiều.
Giá thu gom rác trên địa bàn quận 5 đang là 61.000 đồng/hộ, đa số người thu gom dùng xe lôi, sức người nên mức giá như vậy không đủ sống, phải kiếm thêm bằng tiền bán ve chai và tiền "cho thêm nếu phục vụ tốt". "Do đó, chúng tôi rất mong thành phố ban hành giá thu gom rác mới theo hướng tăng thêm để người thu gom dễ thở, tạo động lực chuyển đổi phương tiện" - ông Khanh nói.
Vẫn chờ ban hành giá mới
Tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động tại quận Phú Nhuận cho thấy thực hiện Quyết định số 924/2021 của UBND quận này thì giá thu gom, vận chuyển rác từ năm 2021 đến 2025 dao động từ 56.500 đồng đến 83.500 đồng/tháng/hộ. Tại quận Gò Vấp, giá thu gom, vận chuyển rác năm 2024 là 77.000 đồng/tháng/hộ, trong đó giá vận chuyển là 27.000 đồng; dự kiến năm 2025 tăng lên 84.000 đồng với giá vận chuyển là 34.000 đồng. Trong khi đó tại TP Thủ Đức, giá thu gom, vận chuyển rác tăng từ 67.500 đồng năm 2023 lên 80.600 đồng/hộ/tháng vào năm 2025.
Tại huyện Bình Chánh, giá thu gom, vận chuyển rác hộ gia đình chia làm 2 nhóm là thu gom thủ công và thu gom cơ giới tại nguồn với những mức giá khác nhau.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thời gian này, khi chưa có quy định mới về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, sở kiến nghị thành phố tiếp tục thực hiện quy định hiện hành của UBND TP HCM. Cụ thể là Quyết định 38 năm 2018 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; Quyết định 20 năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 38.
Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải các địa phương sử dụng phương tiện vận chuyển, cự ly, lộ trình vận chuyển khác nhau; công nghệ xử lý giữa các nhà máy khác nhau dẫn đến giá dịch vụ khi thu đúng và thu đủ từ các chủ nguồn thải cũng khác nhau, người dân đóng tiền thu gom, vận chuyển rác khác nhau...
Chưa nhiều thay đổi
Không chỉ tồn tại vấn đề về giá thu gom, vận chuyển rác, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn bị đánh giá chưa được triển khai tốt. Ghi nhận cho thấy người dân có tâm lý "giao khoán" cho lực lượng thu gom, vận chuyển và cho rằng khi rác lên xe sẽ được lực lượng đó phân loại thông qua việc lượm ve chai.
Ông Lê Minh Ngọc (TP Thủ Đức) kể gia đình thường chia rác thành 2 loại đó là ve chai như lon bia, nước ngọt, giấy… thành một túi rác lớn, số còn lại thì cho vào một túi rác khác. Túi ve chai khi nào đầy thì ông mang tặng nhân viên thu gom rác để giúp họ thêm thu nhập mà đỡ công phân loại lại.
Ngoài ra, đối với những rác thải lớn, nặng như đất trồng cây, ghế, kính… thì không biết xử lý như thế nào cho phù hợp nên chủ yếu nhờ người thu gom xử lý hộ và gửi thêm tiền.
Cách hành xử thiếu phân loại cụ thể đối với rác trên dường như phổ biến trong người dân. Theo chân anh Nguyễn Văn Vui (thu gom rác xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), phóng viên thấy đa số người dân không phân loại rác tại nguồn. Khi cho thùng rác lên xe, anh Vui và 2 nhân viên thực hiện thêm công đoạn phát hiện và nhặt những món đồ nhựa, thùng giấy đưa riêng từng bao treo bên hông xe.
Anh Vui cho biết một số hộ dân có phân loại rác như những món có thể tái chế để dành bán ve chai. Rác không bán ve chai gồm cả pin, bóng đèn, túi ni lông thì gom hết vào một chỗ…
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định rõ việc phân loại phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-12
3 phương án
Cách đây hơn 1 năm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức để chọn phương án tối ưu liên quan đến đơn giá thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, hoàn thiện triển khai giá dịch vụ theo 3 phương án.
Thứ nhất, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ theo mức giá bình quân chung trên địa bàn thành phố để các địa phương áp dụng hoặc xây dựng, trình UBND TP HCM ban hành giá cụ thể tại địa phương.
Thứ hai, địa phương tự xây dựng và trình UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ áp dụng.
Thứ ba, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể với mức giá bình quân theo hướng phân vùng để áp dụng cho từng khu vực có tính chất tương đồng...
Bình luận (0)