- Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, trả lời: Tại khoản 2, điều 26 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về quyền có họ, tên. Cụ thể, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ...
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Tại điểm a, khoản 1, điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử như sau:
Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử: Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1, điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh.
Trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.
Như vậy, cha mẹ chỉ được thỏa thuận đặt họ cho con theo họ của một trong hai người và có thể bao gồm cả họ của cha và họ của mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không được thỏa thuận lấy họ cho con theo họ của người khác không phải cha, mẹ.
Bình luận (0)