Kể từ khi việc lắp đặt camera phạt nguội vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, rất nhiều chủ phương tiện vi phạm lỗi chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn tín hiệu khi chưa cho phép... nhưng không biết.
Tiền phạt cộng dồn đến hàng trăm triệu đồng
Hai tuần trước Tết Nguyên đán, chủ một chiếc Kia Sedona đời 2019 tìm đến nhiều cửa hàng kinh doanh ô tô cũ ở TP HCM để bán xe với giá chỉ 300 triệu đồng nhưng không nơi nào dám mua. Giá chiếc xe này khi mới mua là 1,4 tỉ đồng, sau vài năm vẫn có thể bán lại với giá khoảng 700 - 800 triệu đồng, tùy tình hình sử dụng thực tế. Lý do không cửa hàng nào dám thu mua chiếc xe giá rất hời này là bởi chủ phương tiện vi phạm nhiều lỗi phạt nguội với tổng tiền phạt lên đến... 490 triệu đồng.
"Với số tiền phạt này, chủ phương tiện có thể đã vi phạm đến hàng chục lần. Kể cả hạ giá mua xuống mức thấp nhất và chấp nhận làm thủ tục đóng phạt thay chủ xe rồi bán lại với giá có lời chút đỉnh thì cũng mất rất nhiều công sức và thời gian, có khi cả năm mới hoàn tất" - chủ một cửa hàng ô tô cũ tính toán.
Ông Tạ Công Tiên, chủ Chợ Xe kiểu Mỹ (TP HCM), cho biết hầu như cửa hàng ô tô cũ nào cũng đau đầu với việc thu mua phải xe dính lỗi phạt nguội mà chính chủ xe cũng không biết mình bị phạt. Nếu chủ xe bị phạt ở TP HCM thì cửa hàng có thể dễ dàng làm thủ tục nộp phạt, còn nếu vi phạm ở tỉnh, thành khác thì không chỉ mất thời gian, công sức mà chi phí đi lại, ăn ở để xử lý lỗi vi phạm luật giao thông cũng bị đội lên nhiều.
"Chiếc nào ít thì cũng dính 1 - 2 lỗi, nhiều thì 4 - 5 lỗi trở lên. Với mức đóng phạt trung bình khoảng 5 triệu đồng/lỗi, mua phải xe nào vướng 4 lỗi trở lên thì xem như cửa hàng bị lỗ bởi bán mỗi chiếc chỉ kiếm lời được khoảng 10 triệu đồng" - ông Tiên cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu ô tô bị phạt nguội ở địa phương khác, chủ xe hoặc người được ủy quyền phải mang đầy đủ giấy tờ xe, giấy phép lái xe đến địa phương đó để làm thủ tục lập biên bản vi phạm giao thông. Khoảng 1 - 2 ngày sau, chủ xe mới nhận được quyết định xử phạt vi phạm luật giao thông với mức cụ thể, rồi phải đến Kho bạc Nhà nước để đóng tiền phạt. Tiếp theo, chủ xe phải chờ Cục Cảnh sát Giao thông xóa lỗi vi phạm thì chiếc ô tô mới được chấp nhận kiểm định.
Rủi ro khi cho thuê ô tô
Các ứng dụng (app) cho thuê ô tô tự lái cũng đau đầu với tình huống cho khách thuê xe rồi bị phạt nguội ở địa phương khác, phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết, thậm chí chịu thiệt hại lớn.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Sigo Việt Nam, cho biết đã gặp khá nhiều trường hợp cho thuê xe tự lái vi phạm luật giao thông bị phạt nguội. Gần đây, một khách nước ngoài thuê xe tự lái với giá 11 triệu đồng chạy tuyến TP HCM - Bình Thuận. Sau khi khách trả xe, công ty nhận được 3 quyết định phạt nguội với lỗi chạy quá tốc độ, tổng số tiền phạt gần 10 triệu đồng.
Để hạn chế mất tiền do lỗi phạt nguội, các app cho thuê xe tự lái đã yêu cầu khách đặt trước 5 - 10 triệu đồng. Số tiền này được app giữ lại trong 7 - 30 ngày để "phòng hờ" xe vi phạm luật giao thông bị phạt nguội. Cũng có trường hợp khá đau đầu là app cho thuê xe tự lái vừa hoàn trả tiền cho khách xong thì lập tức nhận được thông tin phạt nguội. Khi đó, app không liên hệ được với khách và cũng không có quy định bắt buộc khách phải chịu lỗi này.
"Nhiều trường hợp xe bị phạt nguội nhưng 3 - 6 tháng sau, chúng tôi mới nhận được thông báo vi phạm luật giao thông nên không thể yêu cầu khách thuê xe đóng phạt được" - chủ một app cho thuê xe tự lái cho biết.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, với hình thức phạt nguội vi phạm luật giao thông, camera chỉ ghi hình biển số ô tô vi phạm nên chủ xe phải chịu trách nhiệm đóng phạt. Nhiều người cho bạn bè, người thân mượn ô tô rồi "khóc ròng" vì xe bị phạt nguội.
Đáng chú ý, gần đây xuất hiện dịch vụ cho thuê giấy phép lái xe từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng hoặc 300.000 - 500.000 đồng/ngày để hoàn tất thủ tục xử phạt nguội.
Bình luận (0)