Theo thông cáo báo chí phát đi ngày 15-8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tuyên bố lần này là do sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của một chủng virus đậu mùa khỉ mới gọi là "nhánh Ib", dường như lây lan chủ yếu qua đường tình dục.
Chủng virus này bắt nguồn từ miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó lan ra các quốc gia lân cận.
Trong tháng qua, hơn 100 ca dương tính với virus nhánh Ib đã được ghi nhận ở Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Số ca mắc thực sự có thể cao hơn do nhiều trường hợp có biểu hiện lâm sàng nhưng chưa được xét nghiệm.
Ngoài ra, một số quốc gia khác trên thế giới cũng ghi nhận các ca đậu mùa khỉ liên quan các nhánh virus khác, với phương thức lây truyền và mức độ rủi ro khác nhau.
Trước đó, đậu mùa khỉ có 3 chủng virus được xác nhận là nhánh I, nhánh IIa và nhánh IIb. Nhánh I đã lưu hành ở Congo từ nhiều năm trước. Nhánh IIa và nhánh IIb, còn gọi là "chủng Tây Phi", đã lan rộng toàn cầu vào năm 2022 và tạo ra PHEIC đậu mùa khỉ lần đầu tiên từ tháng 7-2022 đến tháng 5-2023.
Theo ông Tedros, đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo trong hơn một thập kỷ với số ca tăng đều đặn. Năm ngoái, số ca đã tăng đáng kể. Từ đầu năm 2024 đến giờ, tổng số ca còn cao hơn mức của cả năm ngoái: Hơn 15.600 ca mắc và 537 ca tử vong.
Để đối phó, vào tuần trước, ông Tedros đã kích hoạt quy trình chuẩn nhằm đẩy nhanh khả năng tiếp cận vắc-xin cho các quốc gia thu nhập thấp; giải ngân 1,45 triệu USD từ Quỹ dự phòng khẩn cấp của WHO và kêu gọi tài trợ 15 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động giám sát, chuẩn bị và ứng phó.
Tại các quốc gia có dịch hoặc nguy cơ cao, WHO đang phối hợp với các đối tác để tăng cường xét nghiệm, giải trình tự gien virus, truy vết… WHO nhấn mạnh cần có phản ứng phối hợp quốc tế để ngăn chặn các đợt dịch bùng phát.
Bình luận (0)