"Tuy nhiên, như với COVID-19, điều đó không có nghĩa là công việc đã kết thúc. Mpox tiếp tục đặt ra những thách thức quan trọng về sức khỏe cộng đồng, sự cần thiết của các phản ứng mạnh mẽ, chủ động và bền vững" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh ngay sau khi tuyên bố kết thúc PHEIC mpox tại họp báo toàn cầu tối 11-5.
Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan gọi mpox là "một căn bệnh bị lãng quên", chỉ việc đậu mùa khỉ vốn luôn tồn tại ở một số quốc gia châu Phi nhưng không được quan tâm cho đến khi nó đột ngột lan rộng khắp thế giới. "Nó có thể quay trở lại và có thể gây sốc cho chúng ta trong tương lai" - ông khẳng định và cho rằng điều này cũng sẽ đúng với những căn bệnh bị lãng quên khác.
"Chúng tôi hiện đang xử lý 56 trường hợp khẩn cấp về sức khỏe được phân loại trên khắp thế giới và trong số đó, 14 trường hợp là cấp độ 3, là cấp độ khẩn cấp cao nhất. Chúng tôi đã có hơn 24 đợt bùng phát dịch tả đang diễn ra ở nhiều quốc gia và tôi nghĩ rằng bất kỳ ai đang làm việc về tiêm chủng ngay bây giờ sẽ thấy các đợt bùng phát bệnh sởi gia tăng trên khắp thế giới" - bác sĩ Ryan nói.
Chuẩn bị cho các đại dịch tương lai sẽ là một trong ba vấn đề trọng tâm sẽ được bàn thảo tại Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 9 tới.
Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan (trái) và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại họp báo toàn cầu tối 11-5Ảnh: WHO
Tiến sĩ Tedros cho biết dù đã kết thúc PHEIC, cả COVID-19 và mpox vẫn đang tồn tại và gây tử vong. WHO và các ủy ban khẩn cấp vừa mãn nhiệm đưa ra bộ khuyến nghị tương đồng cho các nước thành viên, bao gồm không để thụt lùi các tiến bộ đạt được trong giai đoạn PHEIC, tiếp tục giám sát, đánh giá rủi ro, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tích hợp bền vững chương trình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và mpox vào các chương trình y tế hiện có…, song song với việc dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản thông thương quốc tế.
Đó cũng là điều nước Mỹ đang bắt đầu sau ngày 11-5, là mốc kết thúc tình trạng khẩn cấp liên bang do COVID-19. Điều đó đồng nghĩa với các dịch vụ y tế liên quan đến căn bệnh này sẽ được cung cấp tại các cơ sở y tế rộng khắp thay vì gói gọn trong một số cơ sở được chỉ định, chính sách bảo hiểm y tế và các dịch vụ thông thường khác thay thế cho sự "bao trọn gói" của chính phủ.
Nhật Bản cũng lựa chọn tương tự sau ngày "hạ cấp COVID-19" 8-5, nơi các đường phố, hệ thống thương mại chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhưng chiếc khẩu trang vẫn phổ biến giữa làn sóng COVID-19 mới đang bủa vây khắp châu Á.
Khôi phục hoạt động kinh tế như bình thường nhưng thận trọng tái thiết lập quy tắc khẩu trang trường học cũng là cách làm của Thái Lan, một trong những nước đang gia tăng mạnh về số ca theo báo cáo hôm 12-5 của WHO.
Bình luận (0)