Vướng mắc này chưa biết đến bao giờ được giải tỏa, trong khi cuộc sống nhiều sinh viên đang rất khó khăn.
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt từ năm 2021 - theo Nghị định 116. Quy định này tưởng chừng tháo gỡ được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương và khuyến khích được sinh viên học ngành sư phạm. Thế nhưng, đến nay cũng chỉ giải quyết được thực trạng trên lý thuyết. Nguyên nhân chính là do các địa phương không mặn mà đặt hàng để chấp nhận trả kinh phí, dù luôn kêu than thiếu giáo viên.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm học 2022-2023 cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên. Trong số đó, bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu hơn 33.000 giáo viên, THCS thiếu hơn 19.300 giáo viên, bậc THPT thiếu gần 14.000 giáo viên. Với tình trạng "chê" đặt hàng giáo viên như hiện nay thì viễn cảnh thiếu giáo viên trong những năm tới sẽ càng trầm trọng. Sự thờ ơ này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khi chất lượng giáo dục không được bảo đảm bởi tình trạng thiếu giáo viên.
Đào tạo chưa bao giờ là bài toán của riêng ngành giáo dục. Với tầm quan trọng và quy mô nhân lực của ngành này, đòi hỏi phải được tổ chức chặt chẽ, tập trung mọi nguồn lực và ưu tiên chính sách để thực hiện. Chậm một bước, trì trệ về cơ chế sẽ gây hậu quả xấu đến cả một thế hệ giáo viên. Hậu quả này sẽ cộng hưởng càng lớn khi lan đến các lớp học sinh.
Hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên như mức trên là chính sách ưu việt thúc đẩy người học quan tâm đến ngành sư phạm. Vả lại, nguồn kinh phí này cũng không quá sức với nguồn ngân sách từng địa phương. Cho dù có lớn cũng phải thực hiện vì đây là đầu tư cho quốc sách. Những vướng mắc như biên chế giáo viên, cơ chế ràng buộc người học phải phục vụ sau khi ra trường, thúc đẩy địa phương đặt hàng giáo viên… không thể để tiếp tục kéo dài.
Nhưng các vấn đề trên chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Ổn định mức sống của giáo viên, đặt người thầy ở đúng vị thế trong xã hội, xây dựng xã hội học tập… mới là những vấn đề căn bản và đầy gai góc. Nó đòi hỏi sự chỉn chu và quyết tâm thực hiện ở tầm quốc gia với các chính sách vĩ mô, bền vững. Các chính sách này đã được thực hiện cả thập kỷ qua nhưng rõ ràng là chưa thỏa mãn, ngay cả trong những bước đầu tiên là xây dựng ngành đào tạo sư phạm đủ hấp dẫn và hoàn thiện. Những khó khăn của ngành sư phạm luôn hiện diện từ khi bước vào trường, chương trình đào tạo và cả khi ra trường lên lớp với học trò.
Chăm lo cho người thầy hiện hữu thì cũng không thể quên người thầy tương lai. Đây là lớp người tiếp bước, kế thừa và phát huy những giá trị của tinh thần giáo dục từ quá khứ đến hiện tại. Trách nhiệm của họ càng nặng nề khi đòi hỏi của xã hội cao hơn, yêu cầu của học sinh toàn diện hơn, nhiều lựa chọn hơn trong bối cảnh học sinh được tiếp cận hằng ngày với thế giới còn lại. Họ xứng đáng có được những điều kiện tốt nhất để yên tâm làm người dẫn dắt các thế hệ học trò trong cuộc viễn trình vào tương lai.
Bình luận (0)