Những vật vã vì chờ đợi, thiếu phương tiện trung chuyển đã dập tắt sự háo hức ban đầu.
Rất may những than phiền trên chỉ dừng lại ở việc đưa đón tại điểm xuất phát - những khâu mà doanh nghiệp có thể cải thiện được chứ không liên quan đến các khâu quan trọng khác như an toàn vận hành, ứng phó với thời tiết... Tuy vậy, sự thiếu chuẩn bị của chuyến hành trình dễ gây lo ngại cho du khách với loại hình vận tải rất đặc thù là tàu trên biển.
Những năm qua, ngành du lịch biển đảo của Việt Nam đã bắt đầu được khai thác dồn dập. Lợi thế về cảnh quan đã rất rõ ràng, bởi chúng ta có hàng ngàn hòn đảo cận bờ, trong đó có hàng chục hòn đảo tuyệt đẹp được du khách nước ngoài hâm mộ. Những cái tên như đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Cát Bà,... thường xuất hiện trang trọng trên các tạp chí du lịch nước ngoài. Du khách cả trong và ngoài nước đã xem đây là đặc sản trong bức tranh du lịch tuyệt vời của Việt Nam.
Lợi thế là vậy nhưng chỉ số ít các đảo có được đường bay thẳng từ đất liền, vài đảo khác có tàu thủy nhưng hành trình cũng đầy gian nan. Chỉ tính riêng Côn Đảo mỗi năm đón gần 600.000 lượt khách và tốc độ phát triển khoảng 20%/năm. Với tốc độ phát triển này, chỉ vài năm lượng khách sẽ quá tải so với số lượng phương tiện đưa đón hiện nay kể cả bằng đường hàng không. Câu chuyện bất cập của các chuyến vận tải thủy vừa qua có vẻ là tất yếu, nhưng lại khó chấp nhận được trong bối cảnh tổ chức du lịch biển đảo khá chậm chạp hiện nay.
Du lịch biển đảo là mỏ vàng mới của ngành du lịch Việt Nam. Để khai thác mỏ vàng này không hề đơn giản, bởi đối với du khách sự thụ hưởng chuyến đi không phải bắt đầu từ điểm đến mà nó được cảm thụ từ khi cầm tấm vé trên tay. Sự bất hài lòng từ khi mua vé, bước chân lên hành trình, hoặc ở bất cứ một khâu nào khác đều làm hỏng bữa tiệc mộng tưởng mà du khách kỳ vọng. Với du lịch, như thế là thất bại. Nên nhà tổ chức đừng cố tìm bất cứ lý do nào để biện minh mà hãy làm mọi cách để dịch vụ của mình hoàn hảo, bởi người trả tiền là du khách và họ sẵn sàng rộng tay nếu điều hưởng thụ là xứng đáng.
Khác với đất liền, du lịch biển đảo là hành trình độc lập. Tất cả dịch vụ từ vận chuyển, tổ chức ăn nghỉ, vui chơi… đều cách xa hậu cần, tách biệt với các điều kiện hỗ trợ khác như cung ứng vật tư, chăm sóc y tế, trang bị phương tiện và cả cứu hộ cứu nạn. Mọi vấn đề đều phải được chuẩn bị tốt nhất có thể, đặc biệt hành trình trên biển để du khách có thể an tâm rồi mới đến hưởng thụ.
Đây là giai đoạn chúng ta cạnh tranh gay gắt nhất về du lịch với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Chúng ta không thể mang tư tưởng vừa làm vừa hoàn thiện mà phải có sự đầu tư tốt nhất để đủ hấp dẫn du khách. Những câu chuyện như quá tải ở điểm đến, mưa gió nhưng tàu nhỏ không thể quay vào bờ, thiếu các dịch vụ chăm sóc trên đảo… không thể dùng để giải thích với người mua dịch vụ. Nó thuộc trách nhiệm của nhà tổ chức và nói thẳng thắng hơn là hãy làm tốt đi rồi hãy nghĩ đến túi tiền của du khách.
Bình luận (0)