Sáng 4-6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho biết việc bảo vệ khai thác tài nguyên quốc gia trong thời gian qua đạt nhiều kết quả, mang lại nhiều lợi ích cho nước nhà và nhân dân.
Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên trên các lĩnh vực còn nhiều bất cập, làm suy thoái các hệ sinh thái biển; cạn kiệt nguồn tài nguyên; thủy hải sản bị khai thác triệt để bằng các công cụ, hóa chất cấm; sự gia tăng chất thải sinh hoạt ra sông, biển làm ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng… Thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn ngừa tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và Thủ tướng đã ban hành Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, biển là thể thống nhất, bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. "Chúng ta phải ưu tiên bảo vệ nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học như các rạn san hô…. Chúng ta hiện có khoảng 11.000 loài cá các loại, chúng ta không để tận diệt" - Bộ trưởng Bộ TN-MT nói.
Hiện, Bộ TM-MT đã tham mưu công tác quy hoạch, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng về các cơ chế chính sách để thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. "Chúng ta sẽ nuôi xa biển. Hiện chúng ta nuôi gần biển sẽ có nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường ven biển như rác thải biển, túi ni lon…" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, để bảo vệ môi trường biển cần sự chung tay của người dân, cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, khi chúng ta đi biển thì trách nhiệm của chúng ta không được xả rác xuống biển, biển mênh mông nhưng nếu chúng ra xả rác thì dần dẫn sẽ gây ô nhiễm môi trường biển rất lớn; ngoài ra, tiến tới phải có hệ thống giám sát, quan trắc, phải quản lý chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến môi trường biển.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) cho biết trong báo cáo số 124 của Bộ TN-MT có đề cập đến những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những đánh giá về những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về biển đảo đồng thời Bộ trưởng có giải pháp gì để công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết Luật Tài nguyên biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cố gắng phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản.
Về việc đánh bắt trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh là công tác phổ biến pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.
Vừa qua để tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT đã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đồng thời cần kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm. Ban Bí thư cũng đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định. Về vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ TN-MT đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định.
"Quy hoạch thủy sản vừa qua đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu.
Bình luận (0)