Ngày 21-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Cà Mau và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tổ chức "hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL".
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết nông nghiệp thuận thiên là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để mang lại lợi ích cho nhân dân nhưng vẫn bảo vệ được môi trường và hệ sinh thái.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam cũng kêu gọi đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ các công cụ đánh giá trong chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; hỗ trợ nguồn lực để triển khai "Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"…
"Các nhà sản xuất nông nghiệp phải sẵn sàng chuyển đổi sang phương thức thuận thiên nhằm góp phần tái tạo, phục hồi thiên nhiên và phát triển ngành nông nghiệp bền vững để tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng" – ông Hoan nhấn mạnh.
ĐBSCL với thế mạnh là nông nghiệp, chủ lực là các mặt hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản… nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất và an ninh lương thực quốc gia. Các sản phẩm của người dân tạo ra đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, thị trường trên thế giới.
Tuy có nhiều lợi thế nhưng vùng đất "chín rồng" hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, hạn - mặn…
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng vùng ĐBSCL đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt của hệ thống sông Mê Kông và biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Vậy nên, khi thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên trong thời gian tới cần lưu ý đặc biệt 2 vấn đề trên.
Nhiều nhà khoa học cảnh báo, vùng ĐBSCL có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động quyết liệt trên toàn lưu vực sông. Không những vậy, nếu cứ tiếp tục phát triển không bền vững thì có thể 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp Việt Nam sẽ bị nhấn chìm.
Bình luận (0)