Chiều 24-4, LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị gặp gỡ đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp ở các địa phương phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn, cùng người lao động nằm trong Đề án di dời, chuyển đổi công năng.
Bà Nguyễn Kim Loan gợi ý các nội dung thảo luận tại hội nghị
Tỉnh Bình Dương đang triển khai Kế hoạch về chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Hay gọi là Đề án 3210, được phê duyệt từ năm 2019).
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết đây là dịp thuận lợi để người lao động chia sẻ tâm tư, nguyện vọng liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, nhà ở, đi lại… khi doanh nghiệp di dời lên phía Bắc của tỉnh.
Về phía đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ khó khăn, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm có sự phối hợp đồng thuận nhất giữa tỉnh với doanh nghiệp để đề án được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Người lao động nêu ý kiến tại hội nghị
Đa phần các ý kiến của doanh nghiệp đều tập trung vào các vấn đề như khi di dời thì họ sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi nào; lộ trình thực hiện ra sao.
Còn phía người lao động quan tâm nhất vẫn là chính sách hỗ trợ học phí cho con em khi chuyển trường; hỗ trợ tiền nhà trọ; hỗ trợ di chuyển; hỗ trợ tiền trong thời gian bị ngừng việc...
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cho rằng doanh nghiệp bốc máy móc, thiết bị mang đi thì dễ, khó nhất là đưa con người theo, vì đó là cả một hệ sinh thái kèm theo như việc học hành cho con cái ra sao, đi chợ chỗ nào, khám chữa bệnh nơi đâu… Do đó tỉnh phải có sự tính toán tổng thể, chứ không thể nói di dời là di dời ngay được.
Ông Phạm Văn Tuyên trả lời câu hỏi của người lao động
Đối với băn khoăn về thời gian ngừng việc của người lao động, ông Tuyên thông tin trong 14 ngày đầu, người lao động được hưởng mức lương tối thiểu vùng, còn 14 ngày sau thì theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo quy định của pháp luật thì sẽ do người sử dụng lao động chi trả, còn nếu người lao động mất việc làm thì hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, có 5 địa phương nằm trong Đề án 3210, gồm: TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát.
Bà Hà khẳng định việc di dời này được nghiên cứu xây dựng sẽ có lộ trình, được lấy ý kiến của các đối tượng tác động để đảm bảo việc tổ chức thực hiện là khả thi.
Việc vi dời cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; không gây đứt gãy sản xuất và không phải tất cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong thành phố phải di dời.
Bà Nguyễn Kim Loan nhấn mạnh thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành cũng đã có chương trình làm việc và lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
"Việc LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị này nhằm để các cơ quan chức năng của tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và người lao động, qua đó LĐLĐ cũng sẽ có những kiến nghị với lãnh đạo tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong quá trình di dời, chuyển đổi công năng"- bà Loan nói.
Bình luận (0)