Ngày 15-11-2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột. Thực hiện cơ chế đặc thù về vốn vay, TP Buôn Ma Thuột đã chủ động phối hợp và tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ phê duyệt dự án vay vốn ODA cho dự án phát triển đô thị phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam.
Mở rộng không gian phát triển
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.036 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay khoảng 3.638 tỉ đồng, vốn đối ứng của địa phương hơn 4.397 tỉ đồng. Dự kiến cuối năm 2025, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án để triển khai thực hiện từ năm 2026 đến năm 2031.
Việc cải tạo 2 con suối Ea Nao và Ea Tam kết hợp với hồ thủy lợi Ea Tam đang được xây dựng nằm trong lòng thành phố sẽ tạo ra không gian đô thị xanh, đẹp. Dự án hồ thủy lợi Ea Tam rộng hơn 136 ha, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng được nhiều người ví von khi hoàn thành sẽ là hồ Xuân Hương thứ 2 trên Tây Nguyên.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết tương lai, dự án phát triển đô thị phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam sẽ hình thành một không gian mới cho thành phố. Việc hình thành các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nguồn nước, hành lang suối, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động…
Về tiến độ dự án, TP Buôn Ma Thuột đã hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái văn hóa - du lịch dân tộc Đắk Lắk, khu đô thị thương mại - dịch vụ Ea Tam, khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam. Thành phố đang triển khai các bước đề xuất dự án đầu tư từ nguồn vốn vay ODA, kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo quy hoạch được duyệt. Tập trung lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực liên quan đến suối Ea Nao - Ea Tam.
Bên cạnh đó, TP Buôn Ma Thuột đang đầu tư thông tuyến đường Tôn Đức Thắng đoạn từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Trần Khánh Dư và đoạn từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Lê Quý Đôn. Hai đoạn tuyến dài hơn 1.220m, có tổng mức đầu tư 565 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm chủ yếu với hơn 453 tỉ đồng.
"Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực bùng binh Km3. Gắn liền các trung tâm, các cụm dân cư và các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội" - Ông Vũ Văn Hưng nói.
Nhà nước và nhân dân cùng chung tay
Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị có tỉ lệ cây xanh cao nhất Việt Nam, với 27.065 cây xanh đường phố, công cộng. Diện tích cây xanh công viên, quảng trường, dải phân cách, đảo giao thông, công trình công cộng là hơn 69ha. Diện tích cây xanh khu vực hành lang sông suối, khu vực cách ly, sinh thái, khu vực hạn chế tiếp cận là hơn 274ha.
TP Buôn Ma Thuột phấn đấu hết năm 2025 đạt tỉ lệ cây xanh toàn thành phố là 18 m²/người, riêng khu vực nội thành là 9 m²/người và tiếp tục tăng lên. Điều này đóng góp tích cực vào việc làm sạch không khí, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn về một đô thị "xanh - sinh thái - bản sắc".
Bên cạnh đó, hệ thống các công viên, vỉa hè, khu vui chơi công cộng được thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng và chỉnh trang hiện đại. Đầu tư các công trình, dự án có quy mô, kiến trúc độc đáo như hồ thủy lợi Ea Tam, Công viên Nguyễn Tất Thành, Công viên Võ Văn Kiệt, Tượng đài Mậu Thân... góp phần tạo cảnh quan, không gian đô thị hiện đại.
UBND TP Buôn Ma Thuột đã sử dụng đá tự nhiên thay thế vật liệu cũ đã hư hỏng để lát vỉa hè, hoa viên với tổng diện tích khoảng 88.460m2, tổng vốn đầu tư khoảng 174 tỉ đồng. Từ đó, góp phần tạo điểm nhấn và làm cho bộ mặt đô thị trở nên khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết để thực hiện chỉnh trang đô thị, thời gian qua, UBND TP Buôn Ma Thuột đã vận động nhân dân cùng chung tay đóng góp một phần kinh phí theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Điển hình, các tuyến đường như Bà Triệu (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường Hùng Vương) hơn 5,3 tỉ đồng, đường Phan Bội Châu (đoạn từ đường Y Jút đến đường Nguyễn Tất Thành) hơn 6 tỉ đồng, đường Hoàng Diệu (đoạn từ đường Y Jút đến đường Phan Chu Trinh) gần 5 tỉ đồng… đã nhận được sự đóng góp 30% kinh phi từ người dân để lát đá vỉa hè.
Đến nay thành phố đã vận động người dân tham gia đóng góp lát đá vỉa hè tại 9 đoạn đường với tổng vốn đầu tư gần 37 tỉ đồng.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử Người Buôn Ma Thuột
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện nay trên địa bàn thành phố đang thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố và tỉnh.
Tuy nhiên, qua rà soát 2 bộ quy tắc này chưa có các nội dung như xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, chuyển đổi số, công dân số, phân loại rác thải tại nguồn, thành phố nói không với động vật hoang dã…
Do đó, UBND thành phố đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử Người Buôn Ma Thuột văn minh - thân thiện - mến khách".
Qua 2 vòng xin ý kiến, dự thảo đã nhận được 17 ý kiến đóng góp. Phòng Văn hóa và Thông tin đã hoàn thiện và trình UBND thành phố xem xét ban hành trong thời gian tới.
Bình luận (0)