Ngày 7-12, Báo Người Lao Động đã tổ chức talkshow "Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen?".
TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại - Trường Đại học Ngân hàng; bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự - VKSND TP HCM; luật sư Vũ Phi Long - Công ty Đông Phương Luật, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM; ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM; ông Lương Quốc Cường, Trưởng Phòng Quản lý tín dụng - Tổ chức Tài chính vi mô CEP, đã tham dự talkshow.
Những chiếc bẫy giăng sẵn
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ thông tin những năm gần đây, trên địa bàn TP HCM xảy ra nhiều vụ đòi nợ bằng cách tạt sơn, tạt chất bẩn, đập phá quán ăn…
Trong đó, nổi cộm là vụ bỏ gián vào tô phở của thực khách xảy ra tại quán Phở Hòa trên đường Pasteur, quận 3.
Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng khai mục đích là để ép chủ quán phải trả nợ thay em rể. Nhóm này đã ra tay bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để hạ uy tín của quán ăn là địa điểm có tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Cơ quan chức năng TP HCM cũng từng cắt cử lực lượng bảo vệ cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (giáo viên một trường tiểu học ở quận 8) khi cô phải làm đơn "kính gửi mấy anh xã hội đen" để van xin cho mình đi dạy.
Cô Hiếu không phải là người vay tiền nhưng bị nhóm người này gây áp lực nhằm đòi tiền nợ của... chị dâu cô.
Ông Lâm Ngọc Mẫn cho rằng tín dụng đen đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân - lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều hình thức tinh vi và rất đa dạng.
Ví dụ, các đối tượng thông qua ứng dụng trên điện thoại (app), tin nhắn hoặc gọi điện, mạng xã hội để quảng cáo cho vay "thời gian ngắn nhất, thủ tục đơn giản nhất".
Tín dụng đen cũng tập trung vào những người lao động gặp khó khăn đột xuất mà quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi; có những trường hợp không có lối thoát.
Từ kinh nghiệm bào chữa, bảo vệ cho các bị hại, luật sư Vũ Phi Long thông tin các nhóm tín dụng đen sử dụng thủ đoạn tinh vi, nắm luật rất rõ để khống chế người vay.
Dù biết việc cho vay với tài sản không chính chủ nhưng các đối tượng vẫn thực hiện. Khi cho vay, họ chỉ nói lãi suất bằng miệng kèm theo hợp đồng lắt léo nhằm "nắm đằng cán". Sau đó, khống chế người vay, ép buộc trả nợ với lãi suất "khủng".
Đồng tình với luật sư Vũ Phi Long, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nhận xét thủ đoạn của các nhóm tín dụng đen là cho vay thông qua hình thức phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính.
Các nhóm này thường mang danh nghĩa "kết nối khách hàng - ngân hàng", hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng.
Hình thức cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên; thời gian cho vay nhanh, thủ tục đơn giản; thường không quy định lãi suất cụ thể mà tính số tiền lãi phải trả hằng ngày.
Hiểu biết để tự bảo vệ mình
Trước nhu cầu vay tiền trong xã hội và thực trạng tín dụng đen hoành hành, TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc cho rằng để tăng khả năng tiếp cận vốn, hạn chế vay tín dụng đen, các tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại cần phải thường xuyên cải tiến quy trình, thủ tục cho vay.
"Nếu cứ xét duyệt theo kiểu truyền thống như hiện nay sẽ không còn thích hợp đối với những trường hợp có nhu cầu vay mang tính cấp bách, nhỏ lẻ hoặc đối với người trẻ.
Các tổ chức tài chính, ngân hàng cần đa dạng hình thức, phương thức cho vay. Ví dụ, có thể giải ngân bằng tiền hoặc chuyển khoản.
Cần mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua các hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội" - TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc gợi ý.
TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc nhấn mạnh đối với người vay, các tổ chức chính thống phải hiểu rằng hoạt động tín dụng dựa trên sự tin tưởng.
Do đó, người vay phải thể hiện sự trung thực, có mục đích vay rõ ràng. Người vay phải suy nghĩ rằng mình vay là phải trả, vay đúng khả năng trả nợ của mình. Như vậy mới thiết lập được mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng.
Người cần vay cũng phải tăng cường kiến thức về tài chính, trong đó có tài chính tiêu dùng. Khi phát sinh nhu cầu vay thì phải hiểu được các định chế tài chính, tổ chức tài chính phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân để tiếp cận dễ dàng.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần thường xuyên tăng cường giáo dục tài chính cho người dân.
Việc giáo dục này cần lồng ghép với những chương trình thiết thực, linh hoạt, phù hợp thực tiễn cuộc sống. Các tổ chức Công đoàn cũng phải thường xuyên tuyên truyền kiến thức tài chính cho công nhân, người lao động sao cho sinh động, hấp dẫn và hiệu quả.
Vay đúng mục đích
Theo ông Lương Quốc Cường, vẫn có một số tổ chức tài chính cho phép người lao động, đặc biệt là người có thu nhập thấp, tiếp cận mà không cần phải có tài sản thế chấp hoặc bảo đảm, bởi món vay thường nhỏ.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, người vay phải đáp ứng điều kiện có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật.
Khi vay, họ phải bảo đảm sử dụng số tiền vay đúng mục đích, hợp pháp, chính đáng. Bên cạnh đó, họ phải chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với món vay.
"Nếu đáp ứng được các điều kiện này, người lao động có thể tiếp cận được các tổ chức tài chính được phép cho vay tín chấp.
Còn về thủ tục giải ngân, khi người vay đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì sau khi ký hợp đồng vay vốn có thể giải ngân ngay hoặc giải ngân vào thời điểm tùy thuộc thỏa thuận giữa người lao động với tổ chức tài chính cho vay. Như vậy, thủ tục vay cũng rất nhanh chóng" - ông Lương Quốc Cường nhìn nhận.
Về việc tiếp cận vốn vay, ông Lâm Ngọc Mẫn thông tin trong thời gian tới, Công đoàn TP HCM sẽ có hoạt động tăng cường vốn cho người lao động giai đoạn 2023 - 2028. Đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo, gặp tai nạn sẽ được hỗ trợ từ 2 triệu đến 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tổ chức Tài chính vi mô CEP sẽ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ; nâng cao nhận thức cho đoàn viên sử dụng vốn hiệu quả; triển khai nguồn vốn 300 tỉ đồng với lãi suất 0,4%/tháng để người lao động tiếp cận được vốn lãi suất thấp.
Phải mạnh dạn tố giác
Các chuyên gia cho rằng người vay, kể cả người thân của họ, nếu bị đe dọa thì cần mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật sư Vũ Phi Long, khung pháp lý của pháp luật đã đủ để răn đe các đối tượng tín dụng đen. Song, điều quan trọng là cần làm cho người dân hiểu về những chiếc bẫy tín dụng đen, một khi đã dính vào thì khó thoát.
Bên cạnh việc phải trả nợ, người vay tiền còn có nguy cơ dính vào những tội hình sự. Các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ hơn về việc cho vay trong lĩnh vực dân sự; vận động những người liên quan khi vay tiền phải thông qua công chứng để ràng buộc chặt chẽ hơn.
Về phía người vay, nếu không có khả năng trả nợ mà bị đe dọa thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ để bảo đảm an toàn. Tuyệt đối không được làm giấy đảo nợ vì như vậy sẽ càng "sa lầy" vào tín dụng đen.
Để giảm thiểu những vụ việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, việc trình báo cơ quan chức năng của những người liên quan rất quan trọng. Bên cạnh đó, pháp luật cần có cơ chế mạnh hơn để bảo vệ người tố giác.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)