Chiều 16-4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
93 triệu người có BHYT
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tỉ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh, từ 58% dân số vào năm 2009 và đến năm 2023 đã đạt 93,35%, tức là đã có hơn 93 triệu người tham gia.
Đến hết 2023, có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 ngàn tỉ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, tiếp cận dịch vụ KCB BHYT ngày càng thuận lợi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ Luật BHYT hiện hành đã có những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, những thay đổi trong Luật KCB 2023 đòi hỏi phải đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để bảo đảm quyền bình đẳng trong KCB BHYT của người dân.
Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới việc thay đổi về tiền lương và chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB có hiệu lực từ 1-1-2025.
Trước mắt, Bộ Y tế tập trung vào 4 chính sách cơ bản nhận được sự đồng thuận cao, trong đó, quan trọng là điều chỉnh các quy định về BHYT liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB BHYT.
Theo Thứ trưởng Thuấn, một số chính sách về tăng phạm vi quyền lợi cho chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có chi phí hiệu quả cao, bảo hiểm bổ sung, tăng cường công tác giám định và hợp đồng BHYT, nâng mức đóng… cần được điều chỉnh phù hợp.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật BHYT sửa đổi.
Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.
Thứ ba, điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh BHYT.
Thứ tư, phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
"Như vậy tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỉ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh"- bà Trang nói.
Theo bà Trang, mục tiêu của việc sửa đổi chính sách BHYT lần này nhằm khắc phục các tồn tại, bất hợp lý mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT; bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe và khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Trên 150 triệu lượt người KCB BHYT mỗi năm
Sáng cùng ngày, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới" (Chỉ thị số 38).
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chỉ thị số 38 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương.
Theo BHXH Việt Nam, mỗi năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 ngàn tỉ đồng. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.
Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi KCB bằng Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí.
"BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia"- ông Mạnh nói.
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác BHYT để phù hợp trong tình hình mới.
Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát quá trình thực thi pháp luật về BHYT tại các địa phương, doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật về BHYT, đặc biệt là sửa đổi Luật BHYT phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 38 và các Nghị quyết của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc cộng đồng, chia sẻ và công bằng trong KCB BHYT.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT và dự toán chi KCB hằng năm là một trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp cơ sở KCB vi phạm hợp đồng KCB BHYT.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Mai đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm dụng quỹ KCB BHYT và đảm bảo tốt quyền lợi BHYT của người tham gia.
Ông cũng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH, Sở Y tế các tỉnh trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về chính sách BHYT; tham mưu tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo thực hiện đạt các mục tiêu về tỉ lệ bao phủ BHYT, phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ bao phủ đạt 95% dân số.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!