Sáng 7-5, Bộ Y tế đã họp với các bộ, ngành và địa phương về tình trạng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, bị cơ quan công an phát hiện và khởi tố. Điển hình là các vụ làm giả sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mì chính, hạt nêm, dầu ăn… diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh
Cơ chế quản lý thông thoáng
Tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết qua hậu kiểm đã phát hiện nhiều vi phạm như sản phẩm chưa công bố, giả nhãn hiệu, nguồn gốc và chất lượng.
Hiện cơ chế quản lý khá thông thoáng, chỉ ba nhóm thực phẩm bắt buộc đăng ký công bố, còn lại chủ yếu tự công bố nên dễ bị lợi dụng. Nhiều công ty gắn mác hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng thực chất là hàng trong nước, chất lượng chỉ đạt 10-30% so với công bố.
Không những thế doanh nghiệp còn làm giả tem nhãn thương hiệu nổi tiếng, lập nhiều công ty phân phối, thuê bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai công dụng.
Hàng giả chủ yếu tiêu thụ qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, gây khó khăn cho kiểm soát vì quy mô lớn và tính ẩn danh.
Tương tự, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để. Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết pháp luật đã có quy định về xử lý thuốc giả nhưng chế tài chưa đủ sức răn đe, do mức phạt dựa trên giá trị hàng hóa rất thấp. Ví dụ, thuốc giả chỉ vài chục ngàn đồng, nếu bị phát hiện cũng chỉ bị phạt vài triệu, không đủ ngăn chặn vi phạm.

Các điểm cầu tham dự hội nghị
Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cũng thừa nhận việc xử lý cơ sở vi phạm đôi khi khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, ông chỉ ra một số khó khăn trong việc xử lý vi phạm, như phát hiện từ người dân, xác định chủ thể kinh doanh và quảng cáo trên môi trường điện tử. Việc xử lý hành vi vi phạm quảng cáo không thuộc thẩm quyền của sở, và khi phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền, thời gian xử lý thường chậm. Phát hiện đã khó, nhưng khi phát hiện, việc xử lý vẫn còn lúng túng.
Một số ý kiến đề nghị có chế tài riêng với hàng giả là thực phẩm, thuốc, xem xét xử lý hình sự một số hành vi nghiêm trọng.
Tăng kiểm tra đột xuất, truy tận gốc vi phạm
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu siết quản lý đăng ký, tự công bố sản phẩm, đặc biệt là cơ chế thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp không khắc phục vi phạm. Việc khắc phục cần được kiểm tra, đánh giá rõ ràng.
"Cần kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời kiểm tra diện rộng mỗi quý một lần. Ngay trong tháng 5 này, các địa phương cần triển khai cao điểm các đoàn kiểm tra. Dược sĩ không được phép kê đơn, nhưng nhiều nơi vẫn tùy tiện bán thuốc vì lợi nhuận. Đề nghị địa phương cử cán bộ đóng vai người dân đi mua thuốc để kiểm tra thực tế"- ông đề nghị.

Công an Thanh Hóa thu giữ thuốc giả
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kêu gọi các nhà khoa học trong ngành y, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, từng làm quản lý hay chuyên môn, không tham gia hoạt động quảng cáo sai quy định, vi phạm pháp luật.
Cần thu hồi ngay thuốc giả và truy tìm tận nơi sản xuất, kinh doanh để xử lý hình sự nếu cần. Đối với kinh doanh thuốc trên môi trường điện tử, cần áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ, đặc biệt trong việc phát hiện và xử lý thuốc giả.
Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thực phẩm chức năng, xử phạt thật nặng để răn đe.
Ông Tuyên cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện thể chế và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương, các bộ, doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn.
Bình luận (0)