Bộ Y tế ngày 6-5 có văn bản đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tăng cường quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn thực phẩm giả.

Sản phẩm bột ngọt giả, dầu ăn giả được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả diễn biến phức tạp, đặc biệt là sữa, mì chính (bột ngọt), dầu ăn, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… gây hoang mang trong dư luận do người tiêu dùng đã lỡ mua và sử dụng các sản phẩm này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa công bố chất lượng, hàng kém chất lượng và thực phẩm giả đang lưu hành trên thị trường.
Các địa phương cũng cần rà soát các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt với sữa, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; đồng thời kiến nghị sửa đổi quy định nếu cần để nâng cao hiệu quả quản lý.
Liên quan việc hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng yêu cầu tăng cường hậu kiểm hoạt động quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông và các sàn thương mại điện tử.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị công khai các đường link vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.
Trường hợp không xác định được chủ thể vi phạm, địa phương cần phối hợp với các cơ quan như Sở Văn hóa tại địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phụ trách mạng xã hội, website, Facebook, Youtube..., Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
Bình luận (0)