Trong khuôn khổ chương trình ngày làm việc thứ nhất, chiều 1-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã chia thành 10 trung tâm thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội.
Tại trung tâm thảo luận số 4, đại diện các đoàn đại biểu đã góp ý với Đại hội về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn (CĐ) cơ sở; đưa ra các giải pháp để xây dựng bộ máy CĐ đủ mạnh; đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ)...
Từ góc độ CĐ địa phương, bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho rằng CĐ cần hướng dẫn, vận động NLĐ cùng tham gia xây dựng chính sách pháp luật. NLĐ hiện nay mới chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, do đó tổ chức CĐ cần thu hút NLĐ xây dựng chính sách pháp luật liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Theo đại diện LĐLĐ TP Đà Nẵng, những năm gần đây, việc phát huy vai trò NLĐ, đoàn viên CĐ tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có sự thay đổi nhưng việc lấy ý kiến vẫn còn mang tính đại diện, chưa rộng rãi.
"Chúng tôi mong muốn trước một văn bản luật liên quan đến tổ chức CĐ, NLĐ cần có sự định hướng của Tổng LĐLĐ để ý kiến sâu sắc và thuyết phục hơn. Nếu văn bản lấy ý kiến từ cơ sở cần có thời gian nhất định để NLĐ "thấm" và thể hiện quan điểm của mình. Có như thế mới tạo được thói quen để NLĐ mạnh dạn xây dựng các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ"- bà Hà nêu quan điểm.
Thảo luận tại trung tâm số 4, các đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất với dự thảo báo cáo chính trị Đại hội. Bên cạnh đó, đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị để hoạt động CĐ hiệu quả hơn nữa, đặc biệt cần thêm chính sách, chế độ để đào tượng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ nói chung và cán bộ CĐ cơ sở nói riêng có bản lĩnh, sâu sát hơn nữa với công nhân lao động.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì một trong những giải pháp tập hợp thu hút đoàn viên vào tổ chức CĐ là tổ chức CĐ phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó hướng hoạt động về cơ sở, chăm lo, bảo vệ tốt đoàn viên NLĐ bằng những hoạt động thiết thực.
Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một số ý kiến cũng cho rằng cần tạo kênh liên hệ và kết nối thông tin nhanh chóng giữa tổ chức CĐ và các đoàn viên, tạo mắt xích để hoạt động chăm lo đoàn viên được sâu sát; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu về tổ chức CĐ...
Liên quan đến vấn đề tiền lương, PGS-TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương- Chủ tịch CĐ bệnh viện, cho biết chế độ lương và phụ cấp đối với nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng. Ngoài điểm đầu vào rất khó, thì học ngành y cũng rất vất vả và tốn kém, chi phí đào tạo có thể lên tới 1 tỉ đồng/năm. Để một bác sĩ làm được nghề, có thể phải mất từ 9-10 năm học tập, đào tạo thực hành.
Với đội ngũ bác sĩ, thời gian đào tạo học tập dài (6 năm) và thêm 18 tháng là thời gian thực hành, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập, bác sĩ sẽ được hưởng lương bậc 1 (2,34) như đối với các ngành, nghề khác. Do đó, ông Phú cho rằng cần có chính sách hỗ trợ chuyên biệt để phù hợp với thời gian đào tạo, thực hành của bác sĩ. Làm thế nào để tiền lương đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, giúp bác sĩ yên tâm cống hiến.
Bình luận (0)