Sáng 3-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, nhằm cụ thể hoá định hướng "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa", phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế", việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.
Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau; được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỉ đồng.
Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỉ đồng.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình.
Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%); Trong đó vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỉ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).
Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035.
Trong đó, năm 2025 chỉ tập trung chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Kỳ trung hạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035 tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Về 10 nội dung thành phần, Chương trình đề ra mục tiêu phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, trong đó tập trung xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả
Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa
Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình...
Bình luận (0)