icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Văn hóa là động lực của phát triển

NSND TUYẾT MAI

Văn hóa khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo to lớn trong con người, đóng góp vào sự phát triển của xã hội

Ở khía cạnh một nghệ sĩ chuyên nghiệp có cơ hội đi biểu diễn trong và ngoài nước quảng bá, giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, tôi ít nhiều tích góp những kinh nghiệm. Từ những điều đúc kết được, tôi muốn chia sẻ vài giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

Có thể nói văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do lao động của con người sáng tạo ra, được cộng đồng khẳng định, tích lũy lại, tạo ra bản sắc riêng của mỗi đất nước, của từng dân tộc, từng xã hội. Văn hóa là động lực của sự phát triển, mọi sự phát triển đều do con người quyết định chi phối. Văn hóa khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo to lớn trong con người, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Nếu những chủ thể là những người sáng tạo ra giá trị văn hóa bằng những sản phẩm văn hóa, bằng tài năng của cá nhân hay tập thể con người thì việc ứng dụng của những tiến bộ công nghệ, đưa thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ để tạo đầu ra là các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ của người dân trong nước cũng như quốc tế là điều hết sức cần thiết. Nhất là trong thời kỳ phát triển công nghệ như hiện nay.

TP HCM là thành phố năng động, nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, nhiều khách trong nước cũng như quốc tế dồn về vui chơi, thưởng ngoạn. Chúng ta cũng đã xây dựng được nhiều chương trình ca nhạc thường niên, được nhiều bạn bè quốc tế tham dự như "Hò dô", "Giai điệu mùa thu"... Nhưng vẫn rất ít so với tầm cỡ của một thành phố phát triển nhất trên cả nước. Rất nhiều chương trình lễ hội được tổ chức và có nhiều ứng dụng công nghệ được đưa vào áp dụng nâng tầm nhiều sản phẩm, chương trình. Nhưng nếu khi chúng ta đưa sản phẩm văn hóa ra khỏi biên giới đến với những nước phát triển thì chúng ta còn phải học tập nhiều.

Nhóm BlackPink biểu diễn tại Hà Nội, một minh chứng cho thấy sự thành công vượt trội của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới, trong đó có Việt Nam (Ảnh do BTC cung cấp)

Nhóm BlackPink biểu diễn tại Hà Nội, một minh chứng cho thấy sự thành công vượt trội của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới, trong đó có Việt Nam (Ảnh do BTC cung cấp)

Từ những hiện thực không thể phủ nhận của hiện tại, bằng kinh nghiệm của bản thân mình, tôi đề xuất một số giải pháp mà tôi tin rằng sẽ ít nhiều có hiệu quả trong công cuộc phát triển công nghệ văn hóa trong những năm tới. Theo đó, điều quan trọng đầu tiên là "Tập trung đầu tư cho việc sáng tác tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị từ lĩnh vực văn học, truyện tranh thiếu nhi đến những tác phẩm ca nhạc. Từ đó chọn ra tác phẩm đặc trưng hình ảnh con người Việt Nam hoặc TP HCM".

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quan tâm đến yếu tố quy hoạch con người. Để nền công nghiệp văn hóa phát triển, yếu tố con người đặc biệt quan trọng. Bởi những sản phẩm hay cần có những nhân tố xuất sắc cả về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật (sử dụng công nghệ thành thạo, ngoại ngữ tốt). Đây là điều mà các nước đã thực hiện từ nhiều năm trước bởi ai cũng biết rằng hành trình đào tạo ra một nhân tài thực sự cần ít nhất 5-7 năm. Thời đại này không có nghệ sĩ ăn may nữa mà phải là nghệ sĩ thực tài. Sự thực tài ấy cần được xây dựng, uốn nắn từ cốt lõi, từ kiến thức căn bản đến chuyên sâu. Nói một cách ngắn gọn thì thời của nghệ sĩ tay ngang hết rồi. Mọi thứ phải được xây dựng trên tài năng thực thụ.

Khi xây dựng được một hình ảnh hoặc một tác phẩm cốt truyện, nhân vật trong truyện đặc trưng hay nhất thì phát triển tập trung đồng loạt trên cả 12 lĩnh vực: Phần mềm, kiến trúc, quảng cáo và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, cần mở rộng quy chế, có chính sách phát triển xã hội hóa để các đơn vị tư nhân được quan tâm, được quảng bá rộng rãi. Cần có quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp cho những dự án, cơ sở tư nhân hoạt động nghệ thuật ca nhạc giải trí để tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Ngoài ra, đầu tư truyền thông, tập trung những sản phẩm văn hóa có giá trị để quảng bá ra toàn cầu là vấn đề rất quan trọng. Cứ nhìn vào làn sóng Hallyu của Hàn Quốc để thấy rằng trong phần trăm thắng lợi của làn sóng văn hóa Hàn, truyền thông đóng góp một phần không hề nhỏ. Nhìn vào sự thành công của làn sóng văn hóa Hàn với riêng Việt Nam, có thể thấy, chính từ sự yêu thích văn hóa Hàn mà giới trẻ Việt đã yêu thích và quan tâm đến các sản phẩm của văn hóa Hàn Quốc.

Theo hồ sơ thị trường Hàn Quốc của Ban Quan hệ quốc tế, Hàn Quốc là nước đứng đầu về số lượng vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn là 67,7 tỉ USD. Theo bản tin của Công ty Nghiên cứu Thị trường, khảo sát giới trẻ từ 20 đến 29 tuổi ở 4 thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, kết quả cho thấy xu hướng chọn thời trang của giới trẻ liên quan đến xu hướng của Hàn Quốc. Tất nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều về việc tiếp thu nền văn hóa khác của giới trẻ Việt (thường bị cho là tiếp nhận một cách thụ động mà thiếu sự chọn lọc kỹ lưỡng, thiếu định hướng đúng đắn) nhưng rõ ràng, sức ảnh hưởng của một nền văn hóa đến tư duy, lựa chọn của một cá thể là không thể phủ nhận.

Chúng ta không mong đợi sự công phá của một nền văn hóa Việt với thế giới như làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã làm được nhưng chúng ta có quyền mong đợi sự tiếp cận của văn hóa Việt với thế giới. Để có thể làm được điều ấy, chúng ta cần phải có những chuẩn bị ngay từ bây giờ. 

NSND Tuyết Mai sinh ra trong gia đình nghệ thuật, có mẹ là diễn viên của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, vì vậy cơ duyên gắn bó với âm nhạc dân tộc đến với NSND Tuyết Mai từ rất sớm. Bắt đầu từ cây đàn tam thập lục, bà thăng hoa trong âm điệu của nhiều loại nhạc cụ khác. Bà dành trọn đời mình cho nghệ thuật, đến nay đã gần 50 năm. Chưa dừng lại ở đó, bà vẫn tiếp tục hành trình của mình với nhiều đam mê và khát vọng.

NSND Tuyết Mai (Ảnh do nhân vật cung cấp)

NSND Tuyết Mai (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong đó, khát vọng lớn nhất của bà là truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ. Bà đã từng bước với niềm tin "sẽ biến giấc mơ của mình thành sự thật". Trong đó, "ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai" - điểm hẹn thân thuộc trong nhiều năm của các du khách quốc tế và là chốn "gieo hạt" cho các bạn trẻ Việt Nam biết yêu và gìn giữ âm sắc dân tộc là tâm huyết của bà.

Con đường khơi dậy và lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc của NSND Tuyết Mai còn đến với nhiều trường học thông qua dự án "Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học" do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức.

"Không phải mọi người thờ ơ với âm nhạc dân tộc mà ngọn lửa này chưa có người khơi dậy". Với tâm tư đó, NSND Tuyết Mai vẫn luôn mang theo khát vọng thổi bùng ngọn lửa ấy đến với cộng đồng. T.Trang

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo