Tại hội thảo "Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá" diễn ra ngày 13-8 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết năm 2022, chi phí y tế do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá lên tới 108.000 tỉ đồng, tương đương 1,14% GDP.
Trong khi đó, tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá đạt 17.600 tỉ đồng, chưa bằng 1/5 của chi phí y tế.
3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp. Khoảng cách giữa các lần tăng thuế khá dài: Năm 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 8 năm sau, năm 2016 tăng từ 65% lên 70%; 3 năm sau nữa, năm 2019 tăng từ 70% lên 75%.
"Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn mặt bằng chung của các nước ASEAN. Giá một bao thuốc lá phổ biến nhất tại Việt Nam hiện chưa đến 1 USD, chỉ cao hơn Lào, Campuchia."- bà Thủy nói.
Các chuyên gia cho rằng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp, dẫn đến người dân và trẻ em vẫn dễ dàng tiếp cận, mua thuốc lá. Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá với xu hướng hiện tại sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Chuyên gia WHO cho rằng tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.
2 phương án nâng thuế với thuốc lá
Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, vào tháng 10-2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5-2025.
Góp ý dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chính thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn 2026-2030.
Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên, đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026, tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp, đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Trong khi đó, Hiệp hội Thuốc lá chỉ đề xuất mức tăng 1.000 đồng/bao năm 2025, tới năm 2030 cũng chỉ tăng mức 3.000 đồng/bao.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ. Để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc, WHO khuyến nghị phương án cao hơn: Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao, lên 15.000 đồng/bao (20 điếu) vào năm 2030, cộng với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại.
Với phương án này, tỉ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020; thu thêm 29.300 tỉ đồng mỗi năm thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh tác động của việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá. Theo đó, sẽ làm giá bán lẻ tăng, ngăn cản người tiêu dùng mua thuốc lá; ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc lá. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá, thậm chí bỏ thuốc lá hoàn toàn.
Theo WHO, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Ước tính mỗi năm có 40.000-70.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Bình luận (0)