Cách đây gần 7 tháng, nam thanh niên N.T.T, SN 1996 (ở TP HCM) đã điện thoại tới Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (1800-6606) để được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Cai thuốc lá thành công sau hàng chục năm hút thuốc
Nam thanh niên 9x cho biết anh hút thuốc lá từ khi học lớp 11, suốt thời gian này anh đã hút cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu. Trung bình mỗi ngày anh hút khoảng 5- 7 điếu và có thể hút thuốc nhiều hơn khi đi cà phê hoặc ăn nhậu với bạn bè. Hiện anh T. làm công việc online tại nhà.
Theo nam thanh niên này, thời điểm trước khi anh có ý định bỏ thuốc, bạn gái thường xuyên phàn nàn về việc hơi thở có mùi mỗi khi anh hút thuốc và cảnh báo anh về những tác hại của thuốc lá tới sức khỏe sinh sản. Sau đó cả hai đã chia tay vì lý do bạn gái không chịu được mùi thuốc lá.
Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên Tổng đài Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết thời điểm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho anh N.T.T là 22-10-2023 thì đến 30-10-2023 anh T. đã cai thuốc được một tuần.
"Trong 1 tháng đầu tiên, mỗi tuần một lần, nhân viên của tổng đài sẽ điện thoại cho khách hàng, hỗ trợ việc cai nghiện thuốc lá, tư vấn hội chứng sau cai và các biện pháp để vượt qua sự khó chịu khi cai thuốc. Sau đó, thời gian gọi và tư vấn sẽ thưa hơn. Việc tư vấn, hỗ trợ này kéo dài trong vòng 1 năm và được thực hiện miễn phí. Nếu sau 1 năm không hút thuốc, không có cảm giác thèm thuốc tức là đã cai thuốc lá thành công"- chị Huyền chia sẻ.
Nhân viên tổng đài tư vấn cho khách hàng trong quá trình cai nghiện thuốc lá
Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên thuộc Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, cho biết có những trường hợp nghiện thuốc lá hàng chục năm đã được cai nghiện thành công.
Trong số này có một trường hợp nữ khách hàng SN 1981 (ở Quảng Ninh). Chị này hút thuốc lá từ lúc 11-12 tuổi bởi trong gia đình có người thân cũng hút thuốc lá. Trước khi cai thuốc, mỗi ngày chị hút từ 20-25 điếu thuốc lá.
"Tháng 7-2023 chị có điện thoại tới tổng đài 1800-6606. Sau 2 tuần hỗ trợ, người phụ nữ này đã bớt những cơn thèm thuốc và dần cai được thuốc lá. Đến thời điểm này chị đã cai thuốc được 10 tháng. May mắn, sau khi cai thuốc được khoảng 4 tháng chị này đã mang bầu"- một nhân viên tư vấn chia sẻ.
Nhân viên tổng đài tư vấn cũng cho biết thời gian gần đây, bên cạnh những người mong muốn cai nghiện thuốc lá điếu thì có nhiều phụ huynh và các bạn trẻ điện thoại đến hỏi về tác hại của thuốc lá điện tử và muốn được cai thuốc lá điện tử.
Hơn 8.600 người đã cai thuốc lá thành công trong 3 tháng
Tại hội thảo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn cai nghiện thuốc lá", sáng 28-5, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết từ năm 2015 đến nay, Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ thành lập và duy trì Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800-6606 tại Bệnh viện Bạch Mai và tổng đài 1800-1224 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP HCM).
Ngoài ra, đã tổ chức phòng tư vấn cai nghiện tại 10 bệnh viện trên toàn quốc, thí điểm mô hình như phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá lồng ghép với phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại một số cơ sở y tế tuyến huyện.
Theo báo cáo của 10 bệnh viện nhận hỗ trợ của quỹ, trong giai đoạn 2015-2023, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá. Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, đã có 8.630 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng; 3.200 người cai nghiện thành công trên 1 năm.
Điều tra năm 2023 cho thấy tỉ lệ người hút thuốc có mong muốn bỏ thuốc là 50,5%.
PGS-TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ năm 2015 đến nay, Chương trình PCTH của thuốc lá (Bệnh viện Bạch Mai) đã nỗ lực thực hiện các hoạt động tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1800-6606, tư vấn chuyên sâu và tư vấn ngắn cho người bệnh, đào tạo, tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế tại 63 tỉnh/ thành phố; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện thuốc lá.
Các nghiên cứu cho thấy trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Bình luận (0)