Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.

Đề xuất sinh viên học ngành toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật được vay vốn đến 5 triệu đồng/tháng (Ảnh minh hoạ)
Dự thảo hướng tới mục tiêu hỗ trợ người học trang trải toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt, tạo điều kiện để họ yên tâm học tập, cống hiến và đóng góp vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu chính là đảm bảo người học có đủ nguồn lực tài chính để hoàn thành chương trình học, từ đó đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo xác định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách bao gồm học sinh, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học các ngành thuộc danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể là các ngành: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê. Các ngành này được quy định bởi Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.
Để được vay vốn, người học cần đáp ứng các điều kiện cụ thể tại thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định cho vay. Đối với học sinh, sinh viên năm nhất, yêu cầu là phải tốt nghiệp trung học phổ thông và có ba năm học trung học phổ thông đạt xếp loại học lực khá trở lên.
Đối với sinh viên từ năm hai trở đi, kết quả học tập trung bình các môn học của năm trước liền kề phải đạt loại khá trở lên. Với học viên và nghiên cứu sinh, điều kiện bắt buộc là phải tốt nghiệp đại học theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, mức vốn vay tối đa cho mỗi người học bao gồm toàn bộ học phí phải đóng (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác từ nhà trường) theo xác nhận của cơ sở giáo dục, cùng với chi phí sinh hoạt tối đa 5 triệu đồng/tháng.
Lãi suất cho vay được áp dụng bằng mức lãi suất dành cho hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ. Trong trường hợp nợ quá hạn, lãi suất được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Thời hạn giải ngân được tính từ ngày người học nhận khoản vay đầu tiên đến khi kết thúc khóa học, bao gồm cả thời gian nghỉ học có thời hạn và bảo lưu kết quả học tập (nếu có).
Trong thời gian này, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không giải ngân vốn vay nếu người học tạm nghỉ học. Lãi tiền vay được tính từ ngày nhận khoản vay đầu tiên đến khi trả hết nợ gốc, nhưng người vay chưa phải trả nợ gốc và lãi trong thời hạn giải ngân.
Bộ Tài chính cho biết thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn giải ngân, trừ đi thời gian nghỉ học có thời hạn. Người vay bắt đầu trả nợ muộn nhất sau 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học và có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ với mức trả mỗi kỳ do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định.
Bình luận (0)