Đây là một trong những nội dung được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM báo cáo UBND thành phố khi thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024.
Thực hiện theo lộ trình phù hợp
Ngày 26-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM, thông tin việc triển khai thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố là một trong 27 nhiệm vụ cụ thể trong Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 (viết tắt là Đề án).
Trong quá trình nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra định hướng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực đô thị trung tâm TP HCM với mục tiêu: ưu tiên phát triển giao thông công cộng (đường sắt đô thị và xe buýt); hạn chế giao thông cá nhân, thực hiện thông qua việc tổ chức hệ thống giao thông tĩnh và thu phí kẹt xe ở khu vực trung tâm.
Ngoài ra, theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, mục tiêu là hoàn thành khoảng 510 km đường sắt đô thị. Trong đó, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 183 km, đảm nhận 30%-40% thị phần VTHKCC. Đến năm 2045, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 168,36 km, đảm nhận 40%-50% thị phần VTHKCC. Đến năm 2060, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 158,66 km, đảm nhận 50%-60% thị phần VTHKCC.
Tính đến tháng 8-2024, TP HCM quản lý khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, chưa kể các phương tiện vãng lai từ nhiều địa phương.
"Đề xuất chưa triển khai thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM phù hợp với quan điểm phát triển của Đề án, vẫn bảo đảm thực hiện đồng thời các giải pháp "kéo và đẩy".
Cụ thể, việc tổ chức triển khai đầu tư hệ thống thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thực hiện theo lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là phải có hệ thống đường sắt đô thị. Khi người dân có sự lựa chọn phương thức di chuyển, việc thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân mới khả thi và hiệu quả" - ông Ngô Hải Đường nhìn nhận.
Phối hợp thực hiện nhiều giải pháp
Để hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường trong nội đô khi chưa thực hiện thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM, ông Ngô Hải Đường cho biết Sở GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm (tuyến cao tốc kết nối, các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối vùng…) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023.
Sở GTVT sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị sau khi Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM được phê duyệt. Ngoài ra, tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp của các nhóm phản ứng nhanh tại những khu vực trọng điểm của TP HCM và cơ chế phối hợp thông tin, xử lý kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị; nâng cấp, mở rộng mạng lưới hệ thống giám sát điều khiển giao thông…
"Về giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, Sở GTVT đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP HCM. Cụ thể, giai đoạn 1, chuyển đổi phương tiện VTHKCC bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2, xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn cho các phương tiện giao thông đường bộ còn lại" - ông Ngô Hải Đường thông tin.
Bàn về vấn đề trên, TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho rằng trong bối cảnh nguồn lực kinh tế của thành phố có hạn, nên áp dụng các giải pháp mềm song song. Trong đó, thu phí ô tô vào nội đô thành phố là một trong những giải pháp không phải tạo nguồn thu mà giúp thay đổi hành vi cá nhân theo hướng tích cực.
"Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý của Singapore. Dù nguồn lực tài chính dồi dào nhưng họ áp dụng mức phí cao khi cá nhân mua ô tô, thu phí ô tô cá nhân vào nội đô... Nhờ vậy, họ hạn chế ùn tắc giao thông, giữ môi trường sạch - xanh" - TS Dương Như Hùng nhận định.
Trong khi đó, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, ủng hộ đề xuất của Sở GTVT. Theo ông Thuận, ở các nước, việc thu phí ô tô vào nội đô chỉ thực hiện khi bảo đảm điều kiện về hạ tầng (bến đỗ, bãi đậu xe) phục vụ người dân gửi xe để trung chuyển bằng phương tiện công cộng. Còn tại TP HCM, điều kiện hạ tầng chưa có, kết nối hành khách bằng xe buýt, metro cũng chưa thuận tiện thì việc yêu cầu đóng phí khi lưu thông vào nội đô sẽ khiến người dân không hài lòng.
Đề án qua 14 năm
Năm 2010, Đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố do Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đề xuất được UBND TP HCM chấp thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, xây dựng khoảng 36 cổng thu phí tự động. Tuy nhiên, đề án gặp nhiều phản ứng của chuyên gia, dư luận.
Năm 2020, kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Theo đó, TP HCM thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, thành phố sẽ phân vùng kiểm soát khí thải, thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030.
Năm 2021, theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, hệ thống thu phí xây dựng bao quanh quận 1 và 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng với một trung tâm xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Dự kiến tổng mức đầu tư là gần 2.280 tỉ đồng. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí lập đề xuất dự án, thu xếp nguồn vốn thực hiện theo hợp đồng PPP với thành phố.
Năm 2022, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, hướng dẫn doanh nghiệp lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm.
Bình luận (0)