Trong bối cảnh giá vàng trong nước "một mình một chợ" với thế giới, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện tại sau hơn chục năm nghị định có hiệu lực.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước TP HCM đề xuất sửa Nghị định 24 theo hướng bảo đảm không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỉ giá, thị trường ngoại hối và mục tiêu chống USD hóa, vàng hóa.
Tuy nhiên, vàng là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng, do đó Ngân hàng Nhà nước TP HCM kiến nghị xem xét cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Ngân hàng Nhà nước TP HCM cũng đề xuất xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Giải pháp này nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.
Cơ quan này cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm…
Lúc 14 giờ ngày 15-3, công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 79,9 triệu đồng/lượng, bán ra 81,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với buổi sáng. Như vậy, giá vàng SJC tăng tới 800.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 67,75 triệu đồng/lượng mua vào, 68,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới thấp hơn vàng nhẫn khoảng 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC tới 16,5 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)